Vua nước Trịnh, đời Xuân Thu, định phá hết các trường học ở thôn quê, vì thấy dân chúng thường hay đến các trường để nghị luận về chính sách hay dở của nhà cầm quyền. Tử Sản, đại phu nước Trịnh, học rộng về chính trị, can: “Người ta sớm tối đến chơi nơi trường để nghị luận điều phải điều trái của mình là cách giúp mình trị nước cho có hiệu quả. Cái gì người ta cho là phải, ta cứ thế mà làm; cái gì người ta cho là dở, ta liệu mà sửa đổi. Những kẻ nghị luận ấy là thầy của ta. Can chi mà phá trường học? Vả chăng, tôi hằng nghe: hết lòng làm điều phải, mới khỏi bị người oán trách; chớ không phải chỉ nạt nộ ra oai mới tuyệt được sự oán trách. Cũng như phải đắp đê để mà giữ nước, chớ phá đê thì nước vỡ tứ tung, làm sao ngăn chận cho lại? Vậy, giữ lại các trường học là giúp cho dân có thể tỏ bày nguyện vọng của họ; do đó ta trị nước mới khỏi sợ bị sai lầm.”
Tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, v.v. là những quyền cơ bản của cá nhân trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, dùng Kinh Thánh làm nền tảng, có câu: “Chúng tôi giữ vững những chân lý hiển nhiên, rằng: tất cả mọi người được dựng nên bình đẳng; Đấng Tạo Hóa ban cho họ những quyền không thể ủy bỏ được; trong những quyền nầy là sự sống, sự tự do và sự theo đuổi hạnh phúc.”
Ánh sáng cần cho mắt, không khí cần cho phổi, tình yêu cần cho tim thể nào thì tự do cần cho tâm hồn
con người thể ấy.
Luật sư và nhà hùng biện Hoa Kỳ Robert G. Ingersoll nói: “[Như] ánh sáng cần cho mắt, không khí cần cho phổi, tình yêu cần cho tim thể nào thì tự do cần cho tâm hồn con người thể ấy.” Theo Littré, “Tự do là yếu tố tất yếu cho mọi xã hội được điều hành tốt đẹp, vì thiếu nó không còn gì đạo lý. . .” Trong lịch sử thế giới, biết bao nhiêu nhân mạng đã đổ máu để dành tự do. Nhưng tự do dành được trong xã hội loài người có giới hạn và chỉ có giá trị tương đối.
Hai ngàn năm trước, trên ngọn đồi Gô-gô-tha, Đức Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên cây thánh giá để chuộc tội cho loài người. Ngài đã đổ máu để chúng ta được tự do. Trong sách Giăng 8:31-34, 36, BDM, Ngài phán cùng những người Do Thái vừa tin theo Ngài, rằng: “‘Nếu các người kiên trì trong đạo Ta dạy thì các người mới thật là môn đệ của Ta. Các người sẽ hiểu biết chân lý và chính chân lý đó sẽ giải phóng các người!’ Họ gạn hỏi Ngài: ‘Chúng tôi là dòng giống Áp-bra-ham, chưa từng làm nô lệ ai, sao Thầy lại bảo chúng tôi sẽ được giải phóng?’ Đức Chúa Giê-su đáp lại: ‘Thật vậy, Ta bảo các người: Người nào phạm tội là nô lệ cho tội lỗi. Vậy, nếu Đức Con giải phóng các người, thì các người mới thật sự được tự do.’”
Chúa Giê-su đã chết để chúng ta có cơ hội được tự do thật sự, sống đời vĩnh cửu. Bạn và tôi có chấp nhận sự hy sinh vĩ đại nầy không?
Đào Thanh Khiết