Kẻ qua người lại nhộn nhịp trên con đường phố trang hoàng ánh đèn xanh đỏ lấp lánh. Các gian hàng quần áo, đồ chơi hay thực phẩm đều trưng bày hấp dẫn. Nhìn thấy người cha trèo lên chiếc thang và bắt dãy đèn Nô-en, nhìn thấy cậu bé với lên cành thông và chạy kim tuyến vàng long lanh, nhìn thấy người mẹ gói những món quà đặc sắc xấp dưới cây Nô-en, chắc đây là mùa Giáng Sinh.
Mùa Giáng Sinh năm nay có ý nghĩa gì trong cuộc đời của quý vị? Chắc chắn trọng tâm của mùa Giáng Sinh không phải là bánh mứt hay quà cáp, nhưng là Đức Chúa Giê-su ra đời.
Như vậy Đức Chúa Giê-su này là ai mà trải qua hai ngàn năm nay, cả thế gian đều sùng bái Ngài! Ngài là ai mà ảnh hưởng Damien thiết lập nhà tế bần trên đảo Molokai để giúp đỡ người bệnh phong; Ngài là ai mà động lòng Charles Colson hiến đời mình phục vụ tù nhân trong các nhà lao; Ngài là ai mà biến đổi David Wilkerson từ kẻ trộm cướp để sáng lập cơ quan phục hồi cho những người nghiện ma túy. Ngài là “Đấng Christ vì chúng ta [mà] chịu chết” (Rô-ma 5:8). Mục đích Chúa giáng sinh là chịu chết thay cho chúng ta. Làm sao chúng ta hiểu được tình yêu vô biên của Chúa?
Có một câu chuyện kể lại rằng, một thiếu nữ 21 tuổi đang mang thai chạy lánh giặc giã. Tới ngày sinh đẻ vào đêm Nô-en, cô không tìm thấy ai giúp cô cả. Cô bắt đầu đi tới nhà truyền giáo, nhưng thai nhi chuẩn bị ra đời. Cô bước đến căn nhà sát bên lề đường và cầu xin sự giúp đỡ, nhưng họ từ chối. Cô đến nhà bên cạnh và họ cũng khước từ. Cô rán sức băng qua cầu thì đến nhà truyền giáo, nhưng không đủ thì giờ nữa vì đứa bé sắp lọt lòng mẹ. Cô bò dưới hầm cầu và sanh được đứa con trai. Trong đêm đông lạnh lẽo đó, cô cởi áo lạnh để quấn đứa bé cho ấm áp. Đứa bé vẫn còn run rẩy. Cô lập tức cởi áo và quần trùm con mình. Cô quấn tất cả những gì cô đang mặc và bế con mình vào lòng để sưởi ấm đến khi cô lạnh cóng.
Sáng hôm sau nhà truyền giáo đi ngang qua cầu để phát quà Nô-en. Nhưng lạ lùng thay! Nghe tiếng khóc tu oa dưới hầm cầu. Người trèo xuống thì thấy đứa bé ôm ấp trong lòng người mẹ, nhưng người mẹ chết cứng vì hy sinh cho con mình. Nhà truyền giáo nhận đứa bé làm con nuôi. Khi sinh nhật thứ 10 của cậu trai trong ngày lễ Giáng sinh, nhà truyền giáo thấy cậu khôn lớn bèn kể cho cậu nghe sự hy sinh của mẹ đã cứu cậu. Ngày hôm sau, cậu trai đó chạy xa mất tích. Cha nuôi đi tìm cậu và nhìn thấy quần áo của cậu nằm sát bờ sông. Người trèo xuống và tìm thấy cậu đang quỳ trần truồng và cầu nguyện, “Chúa ơi! Hãy giúp con hiểu trong đêm lạnh lẽo đó mẹ con đã chết cho con như thế nào.”
Chúng ta không thể hiểu được Đức Chúa Giê-su lạnh lẽo như thế nào khi Ngài chết cho chúng ta. Ngài bị hiểu lầm, bị phản bội, bị đánh đập, bị nhổ vào mặt, bị nhạo báng, bị hắt hủi, bị hành hình vì chúng ta. “Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình” (Giăng 15:13). Mùa Giáng sinh chỉ đầy ý nghĩa khi tôi hiểu rằng Chúa sinh ra để chết cho tôi.
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh
0 280 3 minutes read