Trải qua những tháng hè, học sinh đã nghỉ ngơi và lấy lại sức để bước vào niên khóa mới. Tuy rằng nhiều học sinh đón chờ và mong muốn trở lại học đường, nhưng cũng có một số học sinh tại trường trung học Columbine vẫn còn ác mộng bởi sự tàn sát vào ngày 20 tháng 4 năm 1999. Từ khi án mạng bởi hai thanh niên Eric Harris và Dylan Klebold tại học đường giết chết 12 em, 1 thầy giáo, và làm tổn thương 23 em, và sau đó họ tự tử, trường học tạm đóng cửa để sửa sang những dấu vết mà bom đạn đã làm hư nát.
Những tấm thảm đẫm máu nay được thay mới, những lỗ thủng bởi bom đạn trên tường nay được trám lại và sơn phết, những cửa kiếng bể nát nay cũng được đổi mới. Thư viện gần như đã hư hại, bây giờ một bức tường che khuất thư viện được xây lên, và đặt trước đó là dãy tủ khóa cho học sinh dùng. Có thể rằng các giáo viên không muốn các em bị ám ảnh bởi cảnh tàn sát bốn tháng trước. Vì muốn tránh án mạng tiếp diễn, trường Columbine đã gắn 16 máy quay phim để quan sát từ bên trong đến bên ngoài, phát cho mỗi học sinh thẻ căn cước để vào những cổng trường, có đội canh gác và cảnh sát đi tuần hành. Với những hệ thống an ninh ấy, phụ huynh học sinh vẫn còn tức giận. Trong một buổi họp họ nói, chương trình an ninh nầy vẫn chưa đủ. Nhưng thế nào là đủ an toàn?
Trường học tuy đã được sửa sang mới đẹp, nhưng học sinh vẫn còn nhớ ngày hãi hùng khi bước vào khuôn viên ngôi trường xinh xinh nầy. Cảnh trường học ảm đạm, lạnh lẽo, và không ai muốn nhắc lại những cảnh khủng khiếp ấy. Mọi người cố gắng quên chuyện cũ để chăm chỉ học hành. Dù là sự đau buồn đến đâu đi nữa, có những học sinh không khiển trách ai cả, chỉ hy vọng vào tương lai. Cô Missy Mendo, một trong những nữ sinh, nói rằng, “Từ khi cuộc án mạng xảy ra, trường học nầy sẽ không giống như trước nữa, nhưng tôi muốn trở lại trường tôi. Tôi tin rằng chúng tôi sẽ đoàn kết chặt chẽ, mạnh mẽ hơn.” Và cậu Lance Kirklin, người bị bắn tổn thương đầu tiên, nay được bình phục và trở lại trường, thốt, “Em không hận thù không oán trách.”
Trong Kinh Thánh, Ông Gióp cũng nhìn xa hơn những hoạn nạn; ông không khiển trách số phận nhưng tin tưởng vào Đức Chúa Trời. Có lần ngọn lửa đã giết chết các súc vật, kẻ thù đến cướp tài sản, thiên tai giết tất cả con trai và con gái của ông. Đó chưa đủ, ông còn bị ung nhọt khắp mình, từ bàn chân đến đỉnh đầu. Nếu chúng ta đứng vào địa vị của ông thì chúng ta làm gì? Có thể khóc lên, “Tại sao những hoạn nạn xảy đến cho tôi?” Thay vì than van trách móc, Gióp sấp mình xuống đất mà thờ lạy, “Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!” (Gióp 1:21). Trong khi chịu khổ nạn, Gióp không nói lời nào xúc phạm Đức Chúa Trời, không oán trách thân phận. Vì đức tin của Gióp, Chúa ban cho ông gấp đôi các tài sản ông có trước kia (Gióp 42:10). Cũng như Ông Gióp, trong mọi hoàn cảnh chúng ta đều nên tin tưởng vào Chúa.
Ngày nay, nếu có ai ưu tư về quá khứ, mòn mỏi bởi việc làm, hay cảm thấy cuộc sống là gánh nặng, Chúa kêu gọi, “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28).
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh
0 236 3 minutes read