Một người quen thói ra lệnh cho người khác và muốn mọi việc phải luôn theo ý mình ngày kia đi tham dự một hội nghị quan trọng. Ông ta quyết định đi đường tắt và cuối cùng phát hiện ra mình đã hoàn toàn bị lạc đường. Người đầu tiên ông nhìn thấy là một đứa bé và ông đã hỏi nó:
“Nhóc con, đường nào đến Dover?” Ông ta thô lỗ hỏi.
“Cháu không biết” Đứa bé trả lời cách ngại ngùng.
“À, vậy từ đây đến Brighton bao xa?” Ông gặng hỏi.
“Cháu cũng không biết.”
“Có ai ở gần đây có thể cho ta biết đường không?” Ông ta lên giọng.
“Cháu cũng không biết.” Đứa bé nhún vai trả lời.
Người đàn ông càng lúc càng trở nên tức giận khi đứa bé cứ đưa ra một câu trả lời y chang nhau. Cuối cùng ông đã mất bình tĩnh, hét lên:
“Mày biết ít lắm phải không?”
Và đây là lần đầu tiên mà đứa bé mỉm cười. Nó hướng mắt nhìn về con đường trước mặt, nơi có một ngôi nhà nhỏ với những ánh đèn hắt qua khung cửa sổ, và nơi mà các anh các chị nó đang vui đùa trong sân rồi trả lời, “Vâng, có lẽ vậy. Có lẽ cháu không biết nhiều lắm, nhưng cháu không bị lạc.”
Thế gian đánh giá những Cơ Đốc nhân là thua kém họ khi đặt niềm tin nơi Đức Chúa Trời, là mất mát nhiều thú vui khi gìn giữ những luật lệ của Ngài, là lạc hậu, là “không biết nhiều.” Thế nhưng, những nhận xét dường như rất có lý ấy lại không hoàn toàn đúng. Sứ đồ Phao-lô viết lại kinh nghiệm sống của ông nói riêng, cũng như của tất cả những Cơ Đốc nhân chân chính, ấy là họ “ngó như buồn rầu, mà thường được vui mừng; ngó như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu có; ngó như không có gì cả, mà có đủ mọi sự” (II Cô-rinh-tô 6: 10).
Vâng, có thể là chúng ta không “biết nhiều lắm” như những người đời, nhưng điều quan trọng là chúng ta không lạc mất trong tội lỗi và sự tăm tối.
Mục Sư Trần Quốc Khôi
0 249 2 minutes read