Chiều thứ Sáu của tuần lễ Vượt qua (Passover) vừa rồi, một cô gái bước xuống xe buýt cùng mẹ và hai em đi vào siêu thị, phía nam thành phố Jerusalem. Với ý định mua ớt đỏ và rau thơm về nấu cá cho buổi cơm chiều. Cùng lúc đó, một cô gái khác hối hả đi về phía cửa siêu thị thì bị người lính gác cửa chận lại, có lẽ vì khả nghi. Tức khắc, trái bom mang trong người con gái nầy nổ tung, mảnh vụn bắn tứ phía. Hai cô gái và người lính gác cửa chết ngay tại chỗ, cùng với ba nạn nhân khác. “Khi cô gái 18 tuổi người Palestine bị thuyết phục để hủy hoại thân mình và cùng lúc giết hại cô gái 17 tuổi người Do Thái, thì tương lai trở nên đen tối,” Tổng thống Bush tuyên bố như vậy trong lúc cử sứ giả sang Do Thái và West Bank để dàn xếp xung đột chiến tranh.
Những hình ảnh trên và thảm cảnh quân đội Do Thái tàn sát hàng trăm nhân mạng tại trại định cư Jenin, bên phía West Bank, khiến tôi có những cảm giác nao nao khó tả. Sở dĩ có sự thù hận trong nhân loại cũng chỉ vì tội lỗi mà ra. Trước mặt Đức Chúa Trời, tất cả đều là anh chị em và Chúa Giê-su đã chết để chuộc tội cho mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo. “Tại sao giữa anh em có những xung đột, tranh chấp? Không phải là do dục vọng thôi thúc trong lòng anh em sao? Anh em ham muốn mà không được gì. Ham muốn rồi giết người nhưng vẫn không chiếm đoạt được điều mình muốn. Anh em cãi cọ, tranh giành. Anh em không được những điều mình mong muốn vì anh em không cầu xin Chúa” (Gia-cơ 4:1, 2, BDY).
Nhưng rồi những bi kịch thù hận giữa các đồng loại bên nầy và bên kia biên giới cũng mờ dần trong ký ức tôi. Thứ Bảy tuần qua, tôi bước vào Thánh Đường Cơ Đốc Phục Lâm, Show Low, Arizona với niềm tin mới. Và được nghe vị trưởng lão giảng về đề tài “Một Bức Ảnh Nói Lên Ngàn Lời.” Bức ảnh nầy thật khác hẳn với những hình ảnh chiến trường tàn khốc đăng rải rác trong các tạp chí hoặc phóng đại trên vô tuyến truyền hình trong mấy tuần trước. Đó là bức chân dung của Cô Melinda Polyak đang mỉm cười, ngồi bên cạnh con bạch hổ dáng vóc thuận hòa.
Tôi biết gia đình Melinda từ lúc em còn bé. Đại gia đình nhà em có một nông trại nuôi nhiều súc vật: chó, mèo, ngựa, lừa; bên cạnh nhà tôi. Tôi nhớ có lần em lẩn quẩn vào rừng thông với con chó, quên mất lối về, phải nhờ chó đưa đường. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu,” là như thế. Melinda rất thương mến súc vật. Em cưỡi ngựa như bay; săn sóc, vuốt ve và thỏ thẻ với ngựa như người bạn. Thảo nào lớn lên em thích học trường huấn luyện hổ, thay vì theo học những ngành phổ thông khác.
Con bạch hổ trong hình được nuôi nấng dưỡng dục từ lúc mới sinh. Những cử chỉ, hành động và tính nết của nó được quan sát, ghi nhận và huấn luyện hằng ngày. Thú tính khát máu vẫn có thể nổi dậy, nhưng không có cơ hội phát triển. Vì mãnh thú được thuần phục bằng cách giáo huấn, lấy tình thương làm nền tảng.
Kinh Thánh diễn tả cảnh Thiên đàng, nơi đó không còn hận thù, nhưng tràn ngập tình thương: “Ta sẽ dựng nên trời mới đất mới; những việc trước sẽ chẳng nhớ nữa, chẳng còn nhắc đến nữa. . . Thật, ta dựng nên Je-ru-sa-lem cho sự vui, và dân nó cho sự mừng rỡ. . . Tại đó sẽ chẳng còn nghe tiếng khóc lóc kêu la nữa. Tại đó sẽ không có trẻ con chết non, cũng chẳng có ông già nào chẳng trọn đời mình. . . Muông sói với chiên con sẽ ăn chung, sư tử ăn rơm như bò, rắn ăn bụi đất. Sẽ chẳng có ai làm tổn hại, hay là hủy phá trong khắp núi thánh ta, Đức Giê-hô-va đã phán vậy” (Ê-sai 11:17-25).
Đào Thanh Khiết
0 262 3 minutes read