Trong cuộc sống gia đình Việt Nam, xưa hoặc nay, trong nước hay hải ngoại, vai trò người phụ nữ trong trách nhiệm làm mẹ, bà nội bà ngoại đều tạo những ấn tượng mạnh mẽ, tác động sâu đậm đến tâm hồn đứa trẻ, dù khi chúng trở về già, chúng vẫn chẳng hề quên. Chẳng phải họ nuông chiều âu yếm cháu con như dân gian có câu, ‘con hư tại mẹ, cháu hư tại bà’, mà thực ra câu ngạn ngữ này hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc là tương lai của đứa trẻ, về cả hai phần thuộc linh và thuộc thể, về cả nghề nghiệp lẫn gia thất có được lành mạnh hạnh phúc hay không phần lớn là do quá trình hình thành nuôi dạy từ tay các bà mẹ, bà nội, bà ngoại. Nói vậy không hẳn là đánh giá thấp vai trò của nhà thờ, học đường, cộng đồng, các bậc phụ huynh làm cha làm chú, mà các nhân tố này vẫn có những đóng góp nhất định trong việc phát triển tâm linh, quân bình sinh hoạt của các cháu.
Có lần nọ, một tín hữu tâm sự với tôi. Ông có một đứa cháu ngoại mẹ nó thương chiều nó vô cùng, tất nhiên đứa nhỏ cũng thương lại với niềm yêu thương tương tự. Tình thương lại được nhân lên khi có ông bà ngoại ở cùng, mà theo lề thói quê ta, bà ngoại vừa thương cháu vừa có những chăm sóc gần gũi từ thuở đứa bé lọt lòng. Ông thì lo phần đưa đón, kèm cặp cho cháu. Cháu cũng được ông cưng chiều khi nó đòi đi ăn fast food hoặc chỗ này chỗ kia cho nó chạy nó nhảy. Nếu tinh điểm (Credits), ông ngoại được cháu ‘thích’ hơn vì ông giúp nó những nhu cầu cần cho đứa trẻ. Ấy vậy mà mỗi lần hỏi cháu, ‘Cháu yêu ông yêu bà vậy ai là number one?’, thì từ nhiều năm nay khi cháu đã đi học và lên lớp 2, việc xếp hạng ông ngoại vẫn luôn luôn ở vị trí số hai.
Ông bạn tín hữu cho biết thật sự có hỏi cũng chỉ cho vui, nhưng vốn là nhà giáo, ông vẫn có phần thắc mắc. Một hôm tỉ tê hai ông cháu, ông hỏi đứa nhỏ và cho nó dùng cả hai thứ tiếng vừa Việt vừa Mỹ. Thằng nhỏ trả lời theo ngôn ngữ trẻ thơ nhưng khá nghiêm túc trong thái độ: nó thích bà hơn vì bà nấu đồ ăn Việt cho nó ăn, bà bắt nó ở nhà phải nói tiếng Việt, bà chỉ nó đọc Kinh Thánh, bà dạy nó đừng làm điều xấu (Evil things), bà bảo nó đừng nói dối vì Chúa ở trên cao Chúa biết hết, bà bảo nó cầu nguyện trước khi ăn trước khi ngủ, bà dặn nhớ xin mẹ tiền dâng, bà giục nó theo anh chị đi nhà thờ ngày sa-bát v.v…
Nghe thằng nhỏ khai báo xong, ông ngoại nó ngẫm lại mới sực nhớ là ít khi ông khuyên dạy nó mấy điều này, ông chỉ lo để ý vụ homework, bắt nó làm chuyện này chuyện kia để trở thành học sinh giỏi, hèn chi mỗi lần nó có điểm xấu ở trường, ông dọa sẽ mách bà nó sợ vô cùng dù chính ông cũng chẳng phải là người dễ tánh trong lúc kèm cặp. Điều đáng mừng là các trẻ nhỏ thế hệ sau này chúng rất khôn và thông minh, không phải cứ nuông chiều cho ăn cho uống, mua cho thứ này thứ kia, không dám hoặc ngại la rầy là chúng thích đâu, trái lại ngay từ tuổi tiểu học nhiều cháu đã nhận ra những giá trị của sự dạy dỗ thuộc linh, ai giúp nó tránh được những điều xấu, ai la rày nó mà nó vẫn thương, ai thương chiều nó mà nó vẫn sợ… và khi làm các việc này không ai có thể làm tốt hơn là chính bà hay mẹ của nó. Chính vậy mà nó biết trân trọng công ơn những người đã chỉ bảo nó về mặt đức tin, một sinh hoạt tâm linh mà gia đình chủ yếu thường giao cho hội thánh.
Qua câu chuyện của ông bạn tín hữu, tôi mới nghiệm lại ngay trong thời kỳ các sứ đồ, Phao-lô khi đi truyền đạo cho dân ngoại, ông cũng hay khuyên bảo các người bà người mẹ khi tin nhận Chúa rồi thì hãy làm gương cho con cháu và dạy dỗ chúng về đức tin vì ông hiểu được tình mẹ tình bà có ảnh hưởng sâu đậm đến đức tin của thế hệ kế tiếp. Cụ thể một môn đồ trẻ xuất thân từ một gia đình mới tin Chúa không lâu đã được Phao-lô kết nạp, tin dùng và giao cho trách nhiệm truyền rao lời Chúa khắp vùng bán đảo A-chai. Trong lá thư gởi cho Ti-mô-thê, ta hãy xem ông biểu dương về sự rèn cặp cùng gương sáng đức tin của bà nội và mẹ của người môn đồ ông hằng yêu dấu, “Ta cũng nhớ đến đức tin thành thật của con, là đức tin trước đã ở trong Lô-ít, bà nội con, và trong Ô-nít, mẹ con, ta chắc rằng nay cũng ở trong con nữa” (2 Ti-mô-thê 1:5).