Sử Ký và Địa Dư là môn học tôi ưa thích từ nhỏ. Có lẽ đến từ những chuyện đọc về anh hùng danh nhân của lịch sử nước tôi và của thế giới. Càng học biết về họ thì lại càng làm mình muốn biết thêm về thời đại, văn hóa và bối cảnh lịch sử của họ. Vì càng hiểu được thế giới họ sống thì mình dễ thông cảm với những quyết định, những hành động của họ hơn. Thế nên khi được nghe những câu chuyện về những nhân vật của Thánh Kinh, tôi cũng rất muốn học thêm, nghiên cứu thêm về họ, về xã hội, phong hóa mà họ đã sống để tìm hiểu vì sao họ đã làm những điều họ làm hay thực hiện những việc lớn đã mang ảnh hưởng đến đời sau, hay được ghi vào lịch sử như vậy. Từ những năm tiểu học, tôi đã ham mê đọc bộ sách Thánh Kinh Sử Lược (tác giả: Bà Hemora Homer Dixon, 1937) mà Má tôi đã đọc hằng ngày. Nhờ quyển sách ấy mà lòng ham mê học Kinh Thánh của tôi càng sâu đậm hơn.
Kinh Thánh, từ sách Sáng thế Ký đến sách Khải huyền, toàn bộ là 66 cuốn sách nhỏ và được ghi lại bởi 40 người viết. Phần lớn các người viết nầy không sống cùng một thời, người viết sách Sáng thế Ký và người ghi lại sách Khải huyền sống cách xa nhau 1500 năm. Nhưng tất cả các sách trong Kinh Thánh đều chung qui một đề tài chính ấy là giải thích sự liên hệ giữa Đấng Tạo Hóa của vũ trụ là Thiên Chúa và nhân loại mà Ngài đã tạo dựng. Kinh Thánh minh chứng rằng Thiên Chúa là một đấng rất công bình nhưng đồng thời cũng là một đấng được định nghĩa là Sự Yêu Thương. Thiên Chúa đã tạo dựng một thế gian hoàn hảo, nhưng tội lỗi đã làm thế gian thành chốn trần ai, thì Thiên Chúa phải làm gì với thế gian và con người vừa là tội ác mà cũng vừa là con cái do chính Ngài tạo dựng. Kinh Thánh ghi lại lời trả lời của câu hỏi ấy.
Sáng thế Ký đến từ chữ Genesis, là một từ Hy Lạp có nghĩa là “nguồn cội”. Quả đúng như vậy, quyển sách đầu tiên của Kinh Thánh nói về nguồn cội của con người và của thế giới. Quyển sách nầy trả lời những câu hỏi của con người: Ta là ai? Ta đến từ đâu? Tất cả đã khởi đầu như thế nào? Và cũng như cái tên của nó, sách cuối cùng của Kinh Thánh có tên là Khải huyền tức là khải thị những điều huyền nhiệm. Cuốn sách nầy nói về chung cuộc của thế giới, là những việc sẽ xảy đến trong tương lai cho nhân loại lúc cuối cùng.
Mục đích của loạt bài tôi chia xẻ đây không phải là những bài luận bàn về Thần học hay Tâm lý học. Các bài nầy chỉ sơ lược về các đề tài lịch sử và phong hóa của các thời kỳ mà các nhân vật cũng như các sự kiện Kinh Thánh đã ghi lại. Cá nhân tôi không là một sử gia, hay là một nhà khảo cổ, nhưng chỉ là một học trò học Kinh Thánh. Những gì tôi ghi nhận hay học biết đã làm việc học Kinh Thánh của tôi trở nên rất thích thú và càng học càng muốn biết thêm, và những hình ảnh thực thể của xã hội và phong hóa của người xưa đã giúp tôi hiểu Kinh Thánh và hiểu các nhân vật Kinh Thánh cũng như hiểu sự dạy dỗ và các thí dụ Đức Chúa Jesus kể tỏ tường hơn. Tôi nghĩ nếu mình chia xẻ được kinh nghiệm học ấy của mình với người khác, và giúp họ hiểu các câu chuyện Kinh Thánh hơn hay cảm thấy việc đọc Kinh Thánh là thích thú hơn thì tôi tin là mình đã làm được một việc hữu ích.
Kỳ tới – Câu hỏi: Nghi lễ đầu tiên nào Đức Chúa Trời đã thiết lập cho cộng đồng loài người?
Ngọc Liên