Trong sách Trang Tử Tinh Hoa, Thư Giang Nguyễn Duy Cần tóm tắt thuật dưỡng sinh như sau: Phải vừa lo trong vừa lo ngoài, không nên thái quá hay bất cập. Người khéo dưỡng sinh như kẻ chăn chiên, thấy con nào lẻ bầy, thì quất cho nó trở về với bầy.
Tại nước Lỗ, có người tên Đơn Báo ở trong non, uống nước suối, không thích chuyện danh lợi. Đã bảy mươi tuổi mà diện mạo còn như đứa con nít. Rủi bị cọp đói bắt ăn. Ngược lại, có tên Trương Nghị, không cửa cao nhà rộng nào mà y không chạy đến để cầu cạnh sự ấm thân phì gia. Được bốn mươi tuổi, bị bệnh nội nhiệt mà chết. Đơn báo, thì dưỡng phần trong mà bị cọp ăn phần ngoài. Trương Nghị dưỡng phần ngoài mà bị chết phần trong. Hai người đó, đều không biết quất con chiên lẻ bầy.
Trong, ngoài là hai điều không thể lìa nhau. Lìa nhau là trái với tự nhiên, không khác nào con chiên lạc bầy. Đánh cho nó trở về, là hợp lại hai lẽ trong và ngoài, thì thuật dưỡng sinh mới là hoàn toàn vậy. Theo Trang Tử, thể chất và tinh thần, đã chẳng những không khác nhau, mà có thể nói là một.
Bàn về thuật dưỡng sinh, Epicure nói, “Một thân thể không đau, một tinh thần không loạn: chân hạnh phúc của con người chỉ có bấy nhiêu thôi.”
Nếu nói cho đúng lẽ, thì chỉ có những người giữ một “tinh thần không loạn” là mới có một “thân thể không đau” mà thôi. Hay nói cách khác: những kẻ có “thân thể không đau” là vì họ khéo giữ “tinh thần không loạn.”
Sở dĩ sinh lực người ta hao kém, là vì tư lự mà ra. Phần mở đầu của thuyết dưỡng sinh của Trang Tử có câu, “Sinh lực ta có hạn, mà nỗi lo nghĩ tư lự của ta thì không bờ bến. Nếu đem cái có hạn (như sinh lực của ta) mà phụng sự cái vô hạn (như lòng ham muốn của ta) là nguy vậy.”
Hễ ham muốn thì có lo sợ: lo được sợ thua. Những nỗi lo lắng liên tục trong đời người làm náo động tinh thần, hao tổn sinh khí. Trong thời đại nguyên tử hiện nay, lo sợ dường như là một căn bệnh kinh niên của rất nhiều người. Lo nơi ăn chốn ở, lo công ăn việc làm, lo cho hạnh kiểm và tương lai của con cái, lo tai nạn rủi ro, lo bệnh hoạn chết chóc, v.v.
Đức Chúa Trời có muôn ngàn lối để chu cấp đầy đủ cho chúng ta những nhu cầu chủ yếu của cuộc sống – từ vật chất đến tinh thần – trong khi chúng ta không hiểu biết chi cả. Vậy, “chớ lo lắng chi về ngày mai” (Ma-thi-ơ 6:34).
Chúa Giê-su phán, “Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quí trọng hơn đồ ăn sao, thân thể há chẳng quí trọng hơn quần áo sao? Hãy xem loài chim trời: Chẳng có gieo, gặt, cũng chẳng có thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí trọng hơn loài chim sao? Vả lại, có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình dài thêm một khắc không?” (Ma-thi-ơ 6:25-27).
Chúa khuyên bảo chúng ta, “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Giê-su Christ” (Phi-líp 4:6, 7).
Đào Thanh Khiết
0 258 3 minutes read