Năm 2009 sắp qua đi. Lại một năm nữa đi vào sự vĩnh cửu của quá khứ. Nhưng đó đã là một năm đầy biến động: kinh tế khủng hoảng, bao nhiêu người mất nhà, mất việc làm, mất người thân yêu. Chúng ta trông chờ gì trong Năm Mới. Hay nó cũng là một năm như năm vừa qua, hoặc tệ hơn?
Tôi nghĩ đến Tiên tri Giê-rê-mi và cuốn sách ông đã viết với tựa đề Ca Thương (những bài thơ thương khó). Ca Thương có thể là một trong những cuốn sách trong Kinh Thánh không mấy người thích đọc, tuy nhiên nó nhắc đến nhiều điều đáng lưu ý.
Giê-rê-mi viết lời thương khóc một thành Giê-ru-sa-lem nay đã tàn tạ bằng một loạt nhiều bài thơ. Mỗi bài thơ được xếp thành một đoạn của sách Ca Thương. Giê-rê-mi sắp xếp mỗi bài thơ của mình bắt đầu bằng một mẫu tự của tiếng Hê-bơ-rơ. Từ A đến Z. Hồ như ông khóc than thành phố thân yêu từ đầu đến cuối. Lời than của ông thật ai oán và đoạn trường.
Giê-rê-mi viết sách Ca Thương sau 40 năm chứng kiến sự phản Chúa của quốc gia Y-sơ-ra-ên đưa đến sự đoán xét của Đức Chúa Trời.
Nhưng giữa chừng của sự than khóc của mình, Giê-rê-mi nhận thức rằng Đức Chúa Trời không thay lòng, ngay cả đối với một dân tộc vốn là con dân Ngài nay lại phản bội Ngài. Đức Chúa Trời luôn luôn thủy chung. Cho dầu cảnh ngộ nào, tình trạng nào, dầu có tệ hại đến đâu, chúng ta cũng vẫn có thể tiếp tục hy vọng nơi Chúa.
“Ấy là nhờ sự nhân từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt. Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt; Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín của Ngài là lớn lắm. Hồn ta nói: Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp ta, nên ta để lòng trông cậy nơi Ngài” (Ca-thương 3:22-24).
Lời nầy nói với tất cả chúng ta. Cho dầu mọi sự quanh ta tồi tệ đến đâu, niềm hy vọng của chúng ta có nơi Chúa sẽ mang sự vĩnh cửu, vì Chúa là vĩnh cửu. Chúng ta đã không bị diệt vong vì Đức Chúa Trời tiếp tục có lòng nhân từ đối với chúng ta. Chính Giê-rê-mi đã thừa nhận rằng những điều nhân từ của Đức Chúa Trời như mới lại mỗi buổi sáng mai vì Ngài là Đấng thành tín.
Đó là điểm chính chúng ta cần nhớ, Đức Chúa Trời là thành tín. Cho dầu cảnh ngộ nào đi nữa. Chúng ta có thể đoan chắc Ngài sẽ rũ lòng thương chúng ta. Bởi vì Đức Chúa Trời là nhân từ. Nhờ sự thật ấy, chúng ta vẫn còn niềm hy vọng cho hôm nay và ngày mai.
Khi mỗi ngày mới đến với đời sống chúng ta mang theo những thách thức mới, Chúa vẫn ở cùng chúng ta. Điều ấy được ghi lại hầu như trong mỗi chương sách của Thánh Kinh, ngay cả chính lời của Đức Chúa Jesus, khi Ngài tuyên bố, “Ta sẽ ở cùng các ngươi từ nay cho đến Tận thế.” Thần linh của Đức Chúa Trời không bỏ mặc chúng ta. Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Đức Chúa Jesus đã có lời hứa ấy cho chúng ta.
Chúng ta là những người có đức tin và có niềm hy vọng. Niềm hy vọng của chúng ta được thể hiện qua nhiều cách. Chúng ta hy vọng rằng trong Năm Mới nầy chúng ta có thể gần gủi với Chúa của chúng ta hơn. Hy vọng rằng chúng sẽ vượt thắng mọi thách thức nhờ sức mạnh của Đức Chúa Jesus. Hy vọng rằng con cái chúng ta sẽ học qua lỗi lầm của cha mẹ, của người đi trước chúng.
Vua Đa-vít đã nói thật chí lý trong Thi thiên 130:7, “Hãy trông cậy nơi Đức Giê-hô-va, vì Ngài có lòng nhân từ.”
Niềm hy vọng của chúng ta phải đặt nơi Đức Giê-hô-va Chúa chúng ta. Những hệ thống loài người bày ra có thể thất bại. Những tổ chức của loài người có thể không thành công. Những người chung quanh ta ngay cả những người thân của chúng ta có thể không giúp chúng ta được. Những lãnh đạo chính quyền có thể không thực hiện được những kỳ vọng chúng ta đặt nơi họ. Nhưng nếu chúng ta đặt sự trông cậy mình nơi Chúa, chúng ta sẽ không bao giờ thất vọng.
Niềm hy vọng tối ưu của chúng ta là sự Tái lâm của Đức Chúa Cơ Đốc, Đấng Cứu Thế của chúng ta. Ngài sẽ trở lại như Ngài đã hứa. Cho tới ngày ấy, niềm hy vọng mỗi ngày của chúng ta là: quyền năng muôn đời của Đức Chúa Trời sẽ cứu chúng ta mỗi giờ, mỗi giây, tránh được tầm ảnh hưởng của kẻ thù.
Khi chúng ta bước vào năm 2010, cầu mong mỗi một người tiếp tục đặt sự tin tưởng của mình nơi Chúa. Như sứ đồ Phao-lô nói, “Đấng Christ ở trong anh em, là niềm hy vọng về sự vinh hiển” (Cô-lô-se 1:27).
Ricardo Graham,
Hội Trưởng Pacific Union Conference,
Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm