Để ghi thời gian, ngày xưa người Á đông dùng một cái bình bằng đồng đựng nước, trong có một cái thẻ khắc từng độ. Dưới đáy bình có lỗ nhỏ, nước từ từ chảy và vơi lần. Người ta nhìn vào thẻ mà biết giờ. Trong Cung Oán Ngâm Khúc, có câu:
Mắt chưa nhắp đồng hồ đã cạn.
Cũng theo nguyên tắc trên, người Tây phương dùng hai cái bình đựng cát, dính liền với nhau, cái nọ chồng lên cái kia, để đo lường thời gian.
Ngày nay, đồng hồ là dụng cụ bằng máy móc, người ta chế ra làm thế nào để vòng đồng hồ vừa đúng một vòng xoay của trái đất, tức một ngày. Mỗi ngày chia ra làm 24 giờ, gọi là thời; mỗi thời chia ra 60 phút; mỗi 15 phút gọi là khắc.
Ngạn ngữ có câu, “ thời giờ là tiền bạc.” Thật ra, thời giờ quý hơn tiền bạc vì nó có giá trị đời đời, theo lời nhà thần học Pháp của thế kỷ thứ 18, Louis Bourdaloue. Người ta dùng tiền để mua bán đổi chác. Không ai tậu được thời giờ. Năm 1603 trước khi lâm chung, người hầu cận hỏi Nữ hoàng Anh, Elizabeth I, về ước nguyện cuối cùng. Bà thì thầm qua hơi thở: “Tất cả các kho tàng của ta để đổi một chút thời gian,” nhưng nào có được! Dầu sao đi nữa, mỗi người trong chúng ta mỗi ngày đều có một số thời giờ bằng nhau, không ai hơn ai.
Hiện nay, chúng ta đang ở trong một thời gian quan trọng, thiên niên kỷ 2000. Trước đó, có những người sống một cách quá vội vàng. Họ dự đoán Chúa Giê-su đến vào cuối năm vừa qua, trong khi Kinh Thánh dạy: “Về ngày và giờ đó, chẳng ai biết chi cả, thiên sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi” (Ma-thi-ơ 24:36). Chúng ta có thể gọi họ là những người muốn đi trước Chúa.
Đường lối an toàn nhất của những con chiên là đi theo người chăn. Đức Chúa Giê-su phán với các môn đồ: “Nếu người nào muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình và theo Ta…. Vì người nào dù được cả thế giới mà mất linh hồn mình, thì được ích gì? (Ma-thi-ơ 16:24, 26, BDM). Đi theo Chúa tức là noi gương Chúa. “Đấng Cơ Đốc đã chịu khổ để làm gương cho anh chị em, hầu cho anh chị em theo bước chân Ngài” (I Phi-e-rơ 2:21, BDM).
Nếu chúng ta thực hành đúng theo lời răn dạy trong Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ sẵn sàng khi Chúa Cứu Thế trở lại. Thay vì suy luận và hành động theo ý nghĩ của người đời, chúng ta có dùng thì giờ quý báu mỗi ngày để học hỏi lời Chúa không? “Tốt hơn chúng ta nên để một giờ mỗi ngày cẩn thận suy gẫm về cuộc đời của Đấng Christ… nhất là giai đoạn cuối cùng. Khi chúng ta nghiền ngẫm về sự hy sinh vĩ đại của Ngài, niềm tin của chúng ta thêm vững mạnh, tình yêu thương của chúng ta tăng nhanh, và thần linh của Ngài sẽ tràn ngập trong tâm linh của chúng ta.” – The Desire of Ages, tr. 83.
Đào Thanh Khiết
0 294 2 minutes read