Cách đây ba năm tôi có cơ hội viếng thăm miền Đất Thánh. Chặng cuối cùng và cũng là nơi chính yếu của cuộc hành hương là Giê-ru-sa-lem. Khi xe bus chúng tôi bắt đầu rời đường hầm để vào thành thánh, những cảm xúc chất chứa trong lòng cả tuần nay bỗng vỡ tung và tuôn tràn qua bài ca tụng ngời Chúa. Chúng tôi cùng ca lớn:
“Giê-ru-sa-lem! Giê-ru-sa-lem!
Ca vang vì đêm đã qua
Hô-sa-na vào trong nơi thánh nầy
Hô-sa-na Con Chúa Trời . . .”
Và rưng rưng nước mắt. Được đến thành phố mà lòng hằng mơ ước. Được nhìn tận mắt, sờ tận tay, bước trên những con đường mà hai ngàn năm xưa đã làm chứng nhân cho cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Đức Chúa Giê-su, Cứu Chúa chúng ta. Tất cả những điều ấy làm chúng tôi bàng hoàng, tưởng như thấy có gì nghèn nghẹn trong lồng ngực.
Vài người trong phái đoàn đã thu nhặt nhiều kỷ vật suốt cuộc hành trình. Một viên sỏi nơi sông Giô-đanh, vài chiếc lá olive của vườn Ghết-sê-ma-nê, một viên đá cuội tại một di tích cũ, tất cả những lưu niệm nầy như giúp họ khuây khỏa được niềm mơ ước được gần cùng Chúa Giê-su hơn.
Khi đứng trên Núi Olives nhìn xuống thành Giê-ru-sa-lem phía xa, lòng tôi cảm động vô cùng khi nhớ lại chính Chúa Giê-su đã từng đứng ở nơi đây với bao thương xót cho thành phố ấy. Tôi như mường tượng được niềm ngậm ngùi Chúa có khi Ngài thốt lên, “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng!”
Giê-ru-sa-lem của nhiều hung ác nhưng Ngài vẫn thương yêu thành phố ấy vô cùng!
Nếu bạn đã từng thương yêu một người bạn không bảo vệ được chắc bạn sẽ hiểu được nỗi buồn thương của Chúa Giê-su. Các con cái chúng ta, từ lúc mới sinh, được yêu chìu và chăm sóc từng phút giây. Rồi chúng được thả ra trên đường đời khi mới vài ba tuổi để bắt đầu cuộc hành trình của nhiều phủ phàng và đau khổ. Sẽ có những lần chúng bị ức hiếp hay hắt hủi, bị lừa dối, thất tình, chọn lựa sai lầm . . . Cứ mỗi lần như vậy lòng cha mẹ lại đau đớn hơn muốn làm sao kéo chúng về lại trong vòng tay chúng ta để ta an ủi chúng, bảo bọc chúng.
Dầu không bao giờ chúng ta thấu hiểu hết tình yêu Thượng Đế dành cho chúng ta, nhưng tôi chắc rằng Ngài yêu loài người còn hơn chúng ta yêu con cái mình. Tôi chắc rằng Thượng Đế cũng rất đau lòng khi Ngài thấy chúng ta, con cái Ngài, phải tranh đấu gian nan, phải chịu đựng lắm cảnh phủ phàng, phải mang nhiều bệnh tật khiến thân thể rã rời.
Đức Chúa Trời thương xót chúng ta. Chúng ta đã được “Dựng nên cách đáng sợ lạ lùng” chứ không phải là một thân thể khô héo, quằn quại vì tật bệnh. Đức Chúa Trời đau xót khi Ngài thấy sự tàn phá khủng khiếp do tội lỗi gây nên. Chúa đau lòng khi Ngài thấy sự ức hiếp, bất công, người hại người, và bao điều hung ác khác trên thế gian. Ngài muốn giải thoát chúng ta khỏi những sự bất toàn ấy. Ngài muốn đưa chúng ta vào một nơi không còn tội lỗi, cho chúng ta nước sự sống, và để chúng ta mãi mãi ở trong vòng tay yêu thương che chở của Ngài.
“Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; Vì những sự thứ nhất đã qua rồi” (Khải Huyền 21:4). Không chỉ nước mắt của chúng ta được lau ráo hết nhưng có lẽ cả nước mắt Chúa nữa. Chúa Giê-su không cần phải đau xót về một Ê-đen đã mất hay về sự tàn phá của Giê-ru-sa-lem nữa.
Tôi không hình dung nổi niềm xúc cảm của mình khi được dự phần vào Thành Giê-ru-sa-lem mới, huy hoàng và rực rỡ với sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Nếu những di tích của Giê-ru-sa-lem ở địa cầu này khiến chúng ta rơi nước mắt, chúng ta sẽ cảm động đến mức nào khi được vào Thành Giê-ru-sa-lem mới, được mặt đối mặt với Cứu Chúa, được cùng đi, cùng trò chuyện với Ngài. Không ngôn từ nào có thể diễn đạt được những xáo động sôi nổi của lòng chúng ta lúc ấy. Bạn chẳng cần phải góp nhặt kỷ vật nào nữa vì “Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; Chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng” (Khải Huyền 21:3).
Kinh Thánh phác họa vài nét về Thiên Đàng và đã khẳng định rằng, “Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến, nhưng Đức Chúa Trời đã sắm sẵn điều ấy cho những người yêu mến Ngài” (1 Cô-rinh-tô 2:9). Bạn có thể tin chắc rằng đó là một nơi tốt lành hơn mà lòng chúng ta hằng ao ước.
Chúa Giê-su muốn chúng ta giữ vững niềm tin nơi Ngài và Ngài đã hứa, “Ta đi sắm sẵn cho các người một chỗ. Khi ta đã đi và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.”
“Ta sẽ trở lại!” Chúng ta trông chờ ngày vinh quang ấy, ngày tột đỉnh của chương trình cứu rỗi, ngày Chúa Giê-su trở lại để đưa dân Ngài vào thành thánh của tương lai, Thành Giê-ru-sa-lem Mới. Đó là hy vọng, là sự “Trông cậy hạnh phước của chúng ta”. Nếu chúng ta chẳng có niềm hy vọng ấy thì cuộc đời nầy sẽ khô cằn và vô vọng biết bao.
Niềm hy vọng vào một tương lai huy hoàng như lời Chúa đã hứa sẽ giúp chúng ta đứng vững trong hiện tại, nhất là khi chúng ta phải đối phó với những đau thương của đời nầy, khi mà tất cả quanh ta dường như tan vỡ. Cũng như sứ đồ Phao-lô đã có niềm hy vọng ấy, “Mão triều của sự công bình trong nước Chúa” đã dành sẵn cho chúng ta vì chúng ta “Đã đánh trận tốt lành, xong cuộc đua, và giữ vững đức tin.”
Chúng ta chỉ cần nhớ rằng Chúa Giê-su là An-pha và Ô-mê-ga, là đầu tiên và cuối cùng. Hiểu được điều nầy sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn thực tế. Cho dầu dường như những quyền lực đen tối đang thừa thắng, và dường như không cách gì ngăn chặn nổi, bạn ơi, đừng nản lòng. Tương lai đã được khải thị cho chúng ta rồi, rằng Chúa Giê-su vinh hiển sẽ trở lại với dân sự Ngài. Chúng ta hãy sẵn sàng cho Ngài trở lại.
Trong những ngày hành hương miền Đất Thánh chúng tôi học được nhiều câu tiếng Hê-bơ-rơ kể cả câu phổ thông nhất, “L’shana haba-ab b’Yerushalayim!” hay “Hẹn năm tới chúng ta gặp nhau tại Jerusalem!”
Là Cơ Đốc nhân, chúng ta còn có lời hứa hay hơn nữa, “Hẹn năm tới chúng ta gặp nhau tại Giê-ru-sa-lem Mới!”
Ruth Bạch Yến