Tại sao chúng ta, là những con người bất toàn, lại thấy mình không dễ tha thứ cho những ai lỡ làm lỗi với mình? Dầu chúng ta biết rằng chính mình đã được một Đức Chúa Trời toàn thiện có lòng nhân từ tha thứ cho chúng ta rồi? Khi con người vi phạm mạng lệnh của Đức Chúa Trời và bất tuân với Ngài, Đức Chúa Trời đã sẵn lòng tha tội cho họ và sắp đặt cả một chương trình cứu rỗi bằng chính sự hy sinh của Con Ngài. Lòng Đức Chúa Trời đau đớn không phải chỉ bởi sự bất tuân của người, mà luôn cả vì biết các khổ hình mà Con Ngài là Đấng Cơ Đốc phải gánh chịu thay cho loài người.
Nhưng trong nỗi đau lòng, Đức Chúa Trời không hề để sự kiêu hãnh của Ngài ngăn cản Ngài đã hạ mình xuống để cứu vớt người ra khỏi hố tội lỗi nhớp nhơ. Nhưng chúng ta loài người, không bao người học theo sự nhẫn nhục của Chúa chúng ta. Thường khi chúng ta luôn tức bực khi thấy kẻ khác phạm lỗi, nhất là với mình, và luôn sẵn sàng “Dạy cho họ một bài học.”
Chúng ta thường nghĩ về bản thân mình là cao trọng hơn tất cả. Và nếu sự kiêu hãnh của chúng ta bị vi phạm, liền theo đó là lòng bực tức, cay đắng và lòng phẫn nộ bùng nổ.
Ngay cả với những người tôi thương yêu nhất. Khi họ xúc phạm đến tôi, sự tức bực dẫn đưa đến lòng tổn thương. Tôi nghĩ, “Mình yêu họ quá nhiều, mà sao họ có thể làm mình tổn thương như vậy?” Tôi tiếp tục nuôi dưỡng tư tưởng ấy, rồi dần dần nó trở thành niềm cay đẳng trong lòng tôi.
Ngày qua ngày tôi kêu cầu cùng Chúa xin Ngài cất khỏi lòng tôi cái ung nhọt ấy. Tôi van xin Chúa dạy cho tôi biết quên đi những điều người khác vì phạm cùng tôi. Tôi cầu nguyện cùng Chúa xin Ngài giúp tôi. Và tôi nghe tiếng Ngài phán, “Con hãy tha thứ.”
Tôi cầu nguyện, “Chúa ôi, con không tha thứ được; Xin Cha hãy cất khỏi lòng con niềm cay đắng, mà đặt vào lòng con sự thương yêu.” Tôi cầu nguyện cùng Chúa mỗi ngày và lặp lại lời Chúa đã nói cùng tôi, “Con hãy tha thứ.” Và một ngày kia, nỗi đau đớn đường như không còn trong tôi nữa. Lòng tôi nhẹ nhàng. Sự nhân từ và độ lượng đã xâm chiếm tâm tôi. Bằng sức mạnh của tình yêu Chúa, tôi đã tha thứ được. Bốn chữ, “Con hãy tha thứ” đã thay đổi đời tôi.
Sự đau đớn trong chính tâm ta sẽ không biến mất nếu lòng ta vẫn còn đầy niềm kiêu hãnh, giận hờn và đắng cay. Khi những điều ấy không còn nữa, lòng tổn thương của chúng ta đã được chữa lành khỏi điều xúc phạm mà người khác mang đến cho mình.
Bởi vì đó là điều Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm, “Hãy ở với nhau cách nhơn từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32).
Mary Etta Smith, Ngọc Liên phỏng dịch