Ngày 17 tháng 3, 2002 vừa qua, tôi rất hân hạnh được mời tham dự Ngày Tác phẩm và Tác giả tại thành phố San Diego, California. Đây là ngày văn hóa có tầm vóc ở hải ngoại, giúp cho các tác giả có cơ hội đưa tác phẩm của mình giới thiệu, ra mắt đồng hương. Trong chiều hướng phát triển và bảo tồn văn hóa Việt. Do Nhà văn Diễm Châu và Họa sĩ kiêm Điêu khắc gia ViVi Võ Hùng Kiệt đứng ra tổ chức. Buổi ra mắt được các thi văn sĩ từ các tiểu bang ở nước Mỹ và Canada hưởng ứng nồng nhiệt.
Điều vui mừng đối với tôi là được gặp lại các bạn cũ, gặp mặt và trao đổi tác phẩm với những bạn mới. Từ thi danh gắn bó với San Diego như Việt Chí Nhân đến kẻ ở miền xa như Thi hữu Ngô Thy Vân, sang từ tiểu bang Pennsylvania. Tôi cũng không quên lần đầu tiên được bắt tay, trò chuyện với Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, người điều hợp chương trình độc đáo mà khán thính giả đã thường thấy ở các video Thúy Nga, Paris.
Để mong được thoải mái và rộng thì giờ, tôi lái xe từ vùng White Mountains, Arizona đến phi trường Phoenix, đậu xe tại đó, rồi lấy máy bay đi San Diego ngày hôm trước và ngược lại như vậy trở về ngày hôm sau. Trong ba ngày liên tiếp, tôi đã gặp vài phiền phức trong vấn đề xê dịch, nhất là tại các phi trường, như đậu xe khó khăn, mất hành lý, lục xét rắc rối, v.v.
Về đến nhà là tôi thấm mệt. Để lấy lại sức khỏe, tôi cùng nhà tôi tản bộ vào rừng thông, rồi trèo lên núi ngắm cảnh. Tiết mùa xuân mát mẻ. Khí núi bao quanh tôi. Sau một tiếng đồng hồ lang thang nơi yên tĩnh, hoang vắng, tôi cảm thấy ấm áp, khỏe khoắn lạ thường. Không còn chùn chân như lúc lái xe hoặc ngồi trên máy bay. Những phiền toái của mấy ngày qua tan biến lúc nào mà tôi không hay.
Thi hào Goethe của Đức quốc, ở thế kỷ thứ 19, cũng đã có những cảm giác tương tự: “Khí mát của đồng quê; đó chính là chỗ của ta, dường như ở đấy thần của Đức Chúa Trời bao bọc con người bằng hơi thở của Ngài và con người tuân phục ảnh hưởng thần thánh.” Tôi vốn sinh trưởng ở thôn quê, đồng bằng sông Cửu Long nên lúc nào cũng thích sống ở miền quê, mặc dù ở hải ngoại.
Quê tôi chẳng núi chẳng non,
Có đồng xanh thắm, có con sông dài.
Chiều chiều gió nhẹ lay lay,
Ngắm đàn cò trắng tung bay tít trời.
(Quê Tôi, thơ ĐTK)
Dù cho sống trong xã hội vật chất xa hoa, Nhà thơ Ngô Tịnh Yên vẫn giữ vững những giá trị cố hữu, trong bài thơ Nhà Quê:
Ở Mỹ nhiều năm vẫn nhà quê
cứ thích đi bộ hơn lái xe
nhớ chuyến xe đò tung bụi đỏ
về thăm ngôi chợ nhỏ làng quê.
Thiên nhiên chứa đựng nhiều bài học về tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Nếu thấu hiểu cách trung thực, những bài học nầy dẫn dắt con người đến với Đấng Sáng Tạo và đem họ đến sự liên quan mật thiết với Chúa.
“Bầu trời phản ánh vinh quang
Không gian phô diễn tài năng Chúa Trời.
Ngày ngày vũ trụ không thôi
Truyền thông chân lý đời đời sáng trưng.
Đêm đêm vạn vật reo mừng
Không lên tiếng nói, không dùng thanh âm
Không gian có vẻ nín câm
Nhưng thông điệp vẫn vi thâm cho người.”
(Thi thiên 19:1-4, BDY)
Không gian yên lặng. Nhưng chính sự yên lặng đó đã nói lên một thông điệp vĩnh cửu: Cũng như thiên nhiên, con người là tác phẩm và Đức Chúa Trời là Tác giả.
Đào Thanh Khiết
0 244 3 minutes read