Lối ứng xử giữa con người với con người vốn dĩ phức tạp, anh em trong nhà xuề xòa thế nào cũng được, nhưng trong mối giao lưu với người xung quanh, lời nói rất là quan trọng. Chẳng thế mà ca dao quê ta có câu, ‘lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau’. Vừa lòng ở đây không có nghĩa không có cũng nói là có, không tốt cũng cho là hay, nhưng là nói thế nào cho đẹp lòng người mình giao tiếp. Nhớ lại trong sách Cô-lô-se Chúa có khuyên ta, “Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn và nên thêm muối, hầu cho anh em mình biết nên đối đáp lòng mọi người thế nào” (Cô-lô-se 4:6). Thêm muối là mang ý tốt đặng cho câu chuyện thêm đậm đà, có ơn có hậu giúp ích cho người nói lẫn kẻ nghe, cùng an ủi khích lệ nhau trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Muối ở đây cũng không thể hiểu là ‘thêm mắm thêm muối’ thường mang cái ý đặt điều, thêu dệt làm cho hiểu lầm ghét bỏ lẫn nhau, dẫn đến đôi co xung đột mất tình anh em.
Nhìn ra xã hội, đặc biệt ở vài vùng quê dân ta còn quen lối nói xéo, nói xiên, nói ngang, nói ngược, muốn mắng nhiếc ai thì hay kéo cả nhà cả ổ, cả họ cả tông, cả đồng cả giống chỉ vì bất hòa những chuyện trong sinh hoạt lối xóm, có khi xuất phát từ chuyện. . . mất gà! Trong cuộc sống gia đình, vợ chồng, cha mẹ, con cái cũng có lúc lắm chuyện bực mình nên hay kéo theo buồn giận, kêu rêu, cay đắng rồi thậm chí hục hặc, mắng nhiếc, gây gổ nhau. Tuy nhiên, trong chỗ gia đình, cùng tình đồng đạo, chuyện gì dần dà cũng có thể bỏ qua vì vốn dĩ Chúa khuyên ta phải biết tha thứ. Có điều món ngon nhớ lâu, lời đau khó quên vì một khi lời đi thì không lấy lại được, hỏi mấy ai đong lại được bát nước đầy khi đã chảy tràn trên sàn trên chiếu?
Chính vậy mà sứ đồ Gia-cơ nhắc ta trong cách ăn nét ở vấp phạm nhiều nhất vẫn là lời nói, “Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn” (Gia-cơ 3:2). Mà ở đời mấy ai trọn vẹn? Nói ít thì vấp phạm ít, nói nhiều vấp phạm nhiều, ưa nói dai thành nói dở, dai quá đâm ra nói hành, mà hành gì còn chịu được chứ hành bằng lời nói như máng sối đêm mưa thì chẳng ai chịu nổi. Cũng chuyện nói hành, tưởng chuyện nói chơi, nhưng tùy mức độ trở thành nghiêm trọng. Đọc Dân số Ký bà con ta mới thấy giật mình. Mi-ri-am chỉ vì nói hành anh mình và chị dâu mà phải chịu phạt mắc bệnh phung. Sau nhờ Môi-se kêu cầu xin Chúa bà mới được chữa lành làm cả trại quân bị cấm trại mất 7 ngày trong đồng vắng (Dân số Ký 12:1, 2).
Cho nên trong mối quan hệ cộng đồng, ngay cả trong gia đình, nơi hội thánh, mỗi người nên tự chế trong lời nói, thận trọng trong cách phát ngôn. Sách Châm ngôn cũng dạy kẻ nói là kẻ dại, người nghe là người khôn, chăm nghe chậm nói là cách ứng xử tốt nhất. Lại nữa, muốn nói phải dùng đến lưỡi, mà lưỡi tuy là một quan thể nhỏ nhưng lại “là nơi đô hội của tội ác. . . làm ô uế cả mình, đốt cháy cả đời người” (Gia-cơ 3:6). Chính cái lưỡi có thể chuyển đổi sơn hà xã tắc, nhưng cũng làm cho nhiều người bại hoại, mất nghiệp tiêu vong. Công hiệu của lưỡi, nói cho cùng, chỉ thể hiện qua lời ăn tiếng nói bằng cách nói ra điều gì là điều lành vì “Lời lành giống như tàng ong. Ngon ngọt cho tâm hồn, và khỏe mạnh cho xương cốt” (Châm ngôn 16:24).
Đỗ xuân Thảo
0 446 3 minutes read