Trong chương trình sáng tạo, Đức Chúa Trời tạo nên sự nghỉ ngơi rồi Ngài ban món quà đó cho chúng ta. Có bao giờ bạn kinh nghiệm sự thoải mái ngọt ngào khi ngồi ngả lưng trên chiếc ghế êm ái và thở phào nhẹ nhõm? Đó là món quà Chúa ban cho chúng ta khi Ngài tạo nên ngày thứ Bảy trong tuần lễ tạo thế.
Nghỉ ngơi là một phần trong chương trình sáng tạo của Đấng Tạo Hóa. Chúng ta không thể làm việc liên tục mà không có sự nghỉ ngơi. Thân thể chúng ta sẽ làm việc hữu hiệu hơn khi có cơ hội nghỉ ngơi. Nhưng sự nghỉ ngơi không phải chỉ cho thân thể. Có bao giờ bạn nằm xuống để ngủ nhưng có điều gì khiến bạn phải thao thức? Nếu bạn lo lắng, thì giấc ngủ không đến; bạn sẽ không có sự nghỉ ngơi. Chúng ta sẽ nghiên cứu làm cách nào để có sự nghỉ ngơi hoàn toàn cho tâm trí cũng như thân thể.
Khi tạo thế, Đức Chúa Trời đã thấy sự nghỉ ngơi quan trọng thế nào? Và Ngài đã làm gì? Sáng thế Ký 2:2 chép rằng, “Ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời làm xong công việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm.”
Đức Chúa Trời có nghĩ là sự nghỉ ngơi trong ngày thứ bảy chỉ dành riêng cho một mình Ngài? Sáng thế Ký 2:3 dạy rằng, “Rồi, Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên và đã làm xong rồi.” Trong ý định của Ngài, Đức Chúa Trời muốn tất cả dân sự Ngài nhận được sức mạnh thuộc linh và thuộc thể mỗi ngày thứ Bảy. Vì thế Ngài đặt ngày đó là ngày thánh – biệt riêng ra – bằng cách ban phước đặc biệt cho ngày đó. Cũng như Chúa “lấy sức lại” khi Ngài nghỉ ngày thứ Bảy (Xuất 31:17), thì cũng có sự phục hồi sức khỏe đặc biệt cho mỗi chúng ta khi theo gương Ngài để nghỉ ngày thứ Bảy.
Đức Giê-hô-va phán có hai mục đích của ngày thứ Bảy Sa-bát, “Người ta làm việc trong sáu ngày, nhưng qua ngày thứ bảy là ngày Sa-bát, một ngày nghỉ, tức một sự nhóm hiệp thánh; đừng làm một công việc gì; ấy là lễ sa-bát của Đức Giê-hô-va trong những nơi các ngươi ở” (Lê-vi Ký 23:3).
Ngày Sa-bát (nghĩa là nghỉ theo tiếng Hê-bơ-rơ) là một lễ nghỉ của Đức Giê-hô-va? Xin lưu ý sự liên hệ giữa sự nhóm hiệp thánh và nghỉ ngơi. Mỗi ngày thứ Bảy Sa-bát khi chúng ta thờ phượng Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, chúng ta tìm kiếm sự chăm sóc và tình yêu thương của Ngài. Chúng ta tôn trọng Đấng đã tạo nên chúng ta và tìm được sự an nghỉ hoàn toàn nơi Ngài.
Ai là nguồn sức mạnh của chúng ta? “Chúa Giê-hô-va, là Đấng thánh của Y-sơ-ra-ên, có phán như vầy: các ngươi sẽ được rỗi, là tại trở lại và yên nghỉ; các ngươi sẽ được sức mạnh, là tại yên lặng và trông cậy” (Ê-sai 30:15). “Hãy yên tịnh [theo King James Version, chữ này là rest: yên nghỉ] trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ đợi Ngài” (Thi thiên 37:7). Ngày Sa-bát kêu gọi chúng ta tìm sự yên nghỉ trong Đấng tạo nên chúng ta. Ngày Sa-bát mời chúng ta trở lại với cội nguồn của mình. Mỗi ngày Sa-bát là một cơ hội để tìm mục đích thật của đời sống trong Đấng Tạo Hóa của chúng ta.
Điều răn thứ tư dạy, “Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:8). Bạn nghĩ tại sao Chúa đặt ra Điều răn này? Chính Chúa đã trả lời câu hỏi đó, “Vì trong sáu ngày Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh” (Xuất 20:11). Chúa ban Điều răn về ngày Sa-bát để mỗi tuần chúng ta nhớ đến Ngài là Đấng Tạo Hóa.
Tại sao dân sự Chúa trong Cựu Ước không bao giờ có kinh nghiệm về “sự yên nghỉ thật” của Ngài? “Ngài lại thề với ai rằng không được vào sự yên nghỉ của Ngài? Há chẳng phải với những người không vâng lời sao? Vả, chúng ta thấy những người ấy không thể vào đó được vì cớ không tin” (Hê-bơ-rơ 3:18, 19).
Chúng ta cần đức tin nơi Đức Chúa Giê-su là Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Thế của chúng ta để thật sự giữ ngày Sa-bát. Chúng ta được yên nghỉ khi việc tạo thế hoàn thành, thì chúng ta cũng được yên nghỉ khi sự cứu chuộc hoàn thành. Chúng ta sẽ được yên nghỉ và thờ phượng Chúa trong tương lai khi Ngài tái tạo trời mới đất mới (Ê-sai 66:22, 23).
Sách Hê-bơ-rơ miêu tả thế nào lời Chúa mời gọi mỗi người chúng ta? “Vậy thì còn lại một ngày yên nghỉ cho dân Đức Chúa Trời. Vì ai vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời, thì nghỉ công việc mình, cũng như Đức Chúa Trời đã nghỉ công việc của Ngài vậy” (Hê-bơ-rơ 4:9, 10). Đức Chúa Trời mời chúng ta hãy yên nghỉ trong Ngài. Và lời kết luận trong sách Hê-bơ-rơ, “Vậy, chúng ta phải gắng sức vào sự yên nghỉ đó, hầu cho không có một người nào trong chúng ta theo gương kẻ chẳng tin mà vấp ngã”, và “Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, thì chớ cứng lòng” (Hê-bơ-rơ 4:11, 7).
Sự nghỉ ngơi đem lại niềm vui và sự bình an. Sự nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe và năng lực cho thân thể mệt mỏi, đem lại sự bình an, sức mạnh và hy vọng cho tâm hồn. Đó là lý do tại sao Đấng Tạo Hóa đã gói món quà nghỉ ngơi trong ngày Sa-bát. Biết rằng chúng ta sẽ làm việc cực nhọc trong sáu ngày, Đấng Tạo Hóa đã dành cả ngày thứ Bảy là ngày cuối tuần để chúng ta nghỉ ngơi và thông công với Ngài và Ngài với chúng ta. Trong thời gian này, Ngài bao phủ chúng ta trong sự trọn vẹn của Ngài, thêm sức lực để chúng ta có thể tiếp tục làm việc trong tuần lễ tới. Chúa dành cho chúng ta một ngày để nghỉ ngơi và thông công với Ngài. Đó là cách Chúa âu yếm phán, “Ta yêu con.”
Chúng tôi kính mời quý độc giả hãy đến thờ phượng Chúa mỗi sáng thứ Bảy để tìm hiểu thêm về ngày yên nghỉ mà Chúa gọi là “Ngày Thánh của Đức Giê-hô-va” (Ê-sai 58:13).
Phỏng theo Mục sư Mark Finley,
Adventist World, NAD Ed.
Feb. 2008, tr. 41, 42.
0 716 5 minutes read