Sự thánh hóa (sanctification) là bước thứ hai của ba lẽ thật của Cơ Đốc giáo: sự công chính (justification), sự thánh hóa (sanctification), và sự vinh quang (glorification).
Bởi đức tin dân Do Thái băng qua Biển Đỏ để được cứu—đó là sự công chính. Nhưng họ không ngừng tại đó. Họ được Chúa rèn luyện 40 năm trong đồng vắng—đó là sự thánh hóa. Sau khi chúng ta được cứu rỗi, Ngài dạy chúng ta trở nên thánh thiện. Và cứ như thế trong suốt cả cuộc đời theo bước chân Chúa. Kinh Thánh dạy chúng ta, “Chớ yêu thế gian . . . song ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (I Giăng 2:15-17). Cho nên Chúa nhắc nhở, “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi” (Ma-thi-ơ 7:21). Không chỉ tin Chúa mà thôi, mà còn làm theo ý Chúa.
Sự thánh hóa—có thể hiểu qua câu chuyện của Giô-na—là một tiến trình không ngừng.
Giô-na trốn Chúa
Một ngày nọ, Chúa kêu gọi Giô-na, “Ngươi khá chổi dậy! Hãy đi đến thành lớn Ni-ni-ve, và kêu la nghịch cùng nó; vì tội ác chúng nó đã lên thấu trước mặt ta” (Giô-na 1:2). Chúa kêu gọi Giô-na đem một sứ mạng đến cho những kẻ lạc mất. Chúa thương họ và Ngài muốn cứu họ. Giô-na chổi dậy; thay vì làm theo lời Chúa, ông “trốn qua Ta-rê-si, để lánh khỏi mặt Đức Giê-hô-va” (Giô-na 1:3). Chúa kêu ông đi đến thành Ni-ni-ve, là miền đông, nhưng Giô-na muốn trốn qua Ta-rê-si, là miền tây xa nhất. Thật lạ lùng! Làm sao mà Giô-na nghĩ mình có thể trốn Chúa? Kinh Thánh có chép, “Tôi sẽ đi đâu xa Thần Chúa? Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Chúa” (Thi thiên 139:7).
Nếu chúng ta là con cái của Chúa, không những chúng ta đến với Chúa để được cứu rỗi mà còn nên đi nói cho người khác biết về Chúa. Cũng như Giô-na, chúng ta thường an phận thủ thường.
Để tới Ta-rê-si, Giô-na phải đi tàu đến đó. Khi ra khơi, thì “Đức Giê-hô-va khiến gió lớn thổi trên biển; trên biển có trận bão lớn, chiếc tàu hầu vỡ” (Giô-na 1:4). Tại sao Chúa khiến sóng gió đến với Giô-na? Để cứu hay là để hại Giô-na? Một phần của sự thánh hóa là Chúa đưa thử thách đến. Trong ngày cuối cùng cũng thế, “Khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường” (I Phi-e-rơ 4:12). Sẽ có những thử thách lớn trước khi Chúa chúng ta trở lại. Nếu chúng ta không chuẩn bị vượt qua những thử thách nhỏ bây giờ, làm sao chúng ta đương đầu được với sự thử thách lớn sẽ đến?
Giô-na làm theo ý riêng mình. Mọi sự tốt hơn hay tệ hơn khi Giô-na làm theo ý riêng mình?
Cầu nguyện trong hoạn nạn
“Những thủy thủ đều sợ hãi, ai nấy kêu cầu thần của mình. Đoạn, họ quăng những đồ đạc trong tàu xuống biển, để cho nhẹ tàu” (Giô-na 1:5). Khi con người hoảng hốt, thì họ cầu Trời. Đây là điều tốt vì họ sợ chết nên họ tìm Đấng Cứu Rỗi. Tiếc thay cho những ai biết mình đang lạc mất mà không tìm kiếm Chúa! Các thủy thủ không chỉ cầu nguyện mà còn hành động bằng cách vứt các hàng hóa xuống biển cho nhẹ tàu. Ngày của Chúa gần đến, hoạn nạn sẽ xảy ra, chúng ta hãy sa thải những vật chất không cần thiết để khỏi níu chúng ta chết chẹt trong trần thế.
Trong khi mọi người đều sợ hãi tìm đấng cầu cứu, trong khi chiếc tàu gần vỡ tan, trong tình trạng khẩn cấp như thế, Giô-na ngủ mê dưới khoang tàu. Thế gian ngày nay đang sợ hãi chiến tranh khủng bố, hỏa hoạn tàn phá, v. v. nhưng con cái của Chúa đang ngủ mê. Chúng ta hãy tỉnh thức mà rao truyền sự cứu rỗi.
Truyền trưởng đến gần Giô-na và đánh thức người. Khám phá là Giô-na trốn Chúa cho nên đến nông nỗi này. Các thủy thủ kêu cầu cùng Chúa, và khi họ quăng Giô-na xuống biển, sóng gió liền lặng yên. Trước đó các thủy thủ cầu khấn vái thần mình, nhưng không có hiệu lực. Khi khẩn cầu Đức Chúa Trời thì Ngài phán biển bèn lắng đọng vì “chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công vụ các Sứ đồ 4:12).
Chúa vẫn thương Giô-na bằng cách sắp xếp một con cá lớn nuốt sống Giô-na. Người cầu nguyện cùng Chúa, và Chúa ra lệnh con cá nhả Giô-na trên bờ biển sau khi người ở trong bụng cá ba ngày và ba đêm. Sau khi chúng ta làm theo ý riêng, xong biết tỉnh ngộ, thì Chúa lúc nào cũng nghe lời cầu xin của chúng ta.
Lời Chúa không thay đổi
Một lần nữa Chúa đến cùng Giô-na và phán, “Khá chờ dậy! Hãy đi đến thành lớn Ni-ni-ve, và rao cho nó lời ta đã dạy cho ngươi” (Giô-na 3:2). Lần này Giô-na vâng lệnh Ngài. Chúng ta thấy lời Chúa không bao giờ thay đỗi; chỉ chúng ta cần phải thay đổi mà thôi.
Dân thành Ni-ni-ve lìa bỏ đường gian ác, nên Chúa không giáng tai họa hình phạt. Khi chúng ta chia xẻ lời Chúa cho người khác, thì họ tỉnh ngộ và tìm đến Chúa. “Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô-ma 10:17).
Qua câu chuyện của Giô-na, chúng ta thấy được Chúa nhẫn nại và rèn luyện Giô-na trở nên thánh thiện—đó là sự thánh hóa. Ngày nay Chúa cũng rèn luyện chúng ta; hãy đặt mọi tư tưởng, mọi lời nói, và mọi hành động theo đường lối của Chúa.
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh