Từ Tuân Minh, người ở Hoa Âm, bồ côi từ thủa nhỏ, tính hiếu học, mười bảy tuổi theo Mao Linh Hòa sang học Vương Thông ở Sơn Đông. Học được một năm thì từ biệt. Đoạn, Tuân Minh sang Yên, theo học Trương Ngô Quý. Học trò Ông Ngô Quý rất đông. Tuân Minh dụng tâm học vài tháng, xong nói chuyện riêng với người bạn rằng:
—Thầy ta danh tiếng tuy lừng lẫy, song nghĩa lý không được quán triệt. Phàm những câu ông giảng thuyết, phần nhiều nghe chẳng được thỏa tâm ta. Ta muốn tìm thầy khác.
Rồi bèn cùng Điền Mãnh Lược sang Phạm Dương thụ nghiệp Ông Tôn Mãi Đức. Nhưng vừa học được một năm, lại muốn bỏ đi. Mãnh Lược bảo Tuân Minh rằng:
— Anh tuổi còn trẻ, theo thầy học hành, chẳng chịu chuyên học một thầy. Cứ nay thầy nầy, mai thầy khác; nay tìm đến, mai bỏ đi, nghìn dặm xa xôi, sách vở mang cắp. Học hành như vậy, sợ không thành công.
Tuân Minh nói:
— Ta nay mới biết chỗ ở của ông thầy đích thật là ông thầy.
— Ở đâu?
Tuân Minh chỉ vào tâm mà nói:
— Đây chính ở chỗ nầy.
Nhưng “nhân vô thập toàn.” Đã làm người, không ai vẹn đủ mười mươi. Làm sao tự mình có thể luyện để tâm trở thành “ông thầy” tốt được? Kinh Thánh dạy: “Mọi người đều phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma: 3:23). “Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy” (Ê-sai 53:6). Sách Giê-rê-mi 13:23 chỉ rõ thêm: “Người Ê-thi-ô-bi có thể đổi được da mình, hay là con beo đổi được vằn nó? Nếu được thì các ngươi là kẻ đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được.”
Muốn cải thiện tâm theo con đường chánh, chúng ta cần có sự đổi mới. “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (II Cô-rinh-tô 5:17). “Bạn càng gần Đức Chúa Giê-su bao nhiêu, chính bạn càng cảm thấy mình khuyết điểm bấy nhiêu; khả năng nhận thức của bạn sẽ rõ ràng hơn, và nhược điểm của bạn sẽ hiện ra, tương phản với sự hoàn hảo của Ngài.” – Steps to Christ, tr. 65.
Khi cầu xin Đức Thánh Linh hướng dẫn tâm chúng ta, chúng ta sẽ nhận được sự giáo huấn thần diệu: “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22). Khi có Chúa ngự trong tâm, Ngài sẽ giúp chúng ta gìn giữ lời huấn đạo của Ngài cách an toàn:
“Tôi yêu mến luật pháp Chúa biết bao!
Trọn ngày tôi suy gẫm luật pháp ấy.
Các điều răn Chúa làm cho tôi khôn ngoan…
Vì các điều răn ấy ở cùng tôi luôn.
Tôi có trí hiểu hơn hết thảy kẻ dạy tôi,
Vì tôi suy gẫm các chứng cớ Chúa…
Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi,
Ánh sáng cho đường lối tôi” (Thi thiên 119: 97-99,105).
Đào Thanh Khiết
0 261 2 minutes read