Sau một tiếng nổ kinh hoàng, miểng mìn văng tung
tóe. Người ta cấp tốc chở một em nhỏ, xin tạm gọi là Trò Cao, vào bệnh viện Ðà Nẵng. Vì mất nhiều máu và vì sức yếu nên em Cao phải tĩnh dưỡng khá lâu.
Trước kia em Cao là học sinh lớp Mẫu giáo tại trường Cơ Ðốc, Sài Gòn, niên khóa 1973-1974. Rồi biến cố tháng Tư năm 1975 xảy đến. Bà giáo Lâm cùng gia đình hoảng hốt rời phi trường Tân Sơn Nhứt, chỉ kịp mang theo một số quần áo và vật dụng cần thiết. Kể từ đó kẻ góc biển người chân trời, mỗi người mỗi ngã.
Mùa hè năm 1994, Bà giáo Lâm dành dụm được một số tiền, về thăm quê hương. Bà ghé qua Hội Thánh Phú Nhuận và tìm đến lớp Mẫu giáo, nơi bà dạy học thủa trước. Ngôi trường xưa, nay không phải là ngôi trường nữa; nhà nước đã dùng nơi nầy làm công việc khác.
Tôi ngậm ngùi nhìn bức tường hoen ố.
Mười chín năm, cây cỏ vẫn u sầu.
Cây mimosa không còn bay trước gió,
Nụ hoa vàng đã héo úa từ lâu.
(Thăm Lớp Mẫu Giáo — Thơ Trúc Lâm)
Còn các em ngây thơ, bé bỏng ngày xưa đã tản mác khắp nơi đâu rồi? Ðang bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người, bỗng từ xa xuất hiện một thanh niên, trông dáng tiều tụy, cánh tay ngượng ngùng. Bà giáo Lâm không nhận ra là ai. Nhưng thanh niên nọ cứ tiến đến gần, rồi đương nhiên ôm chằm bà giáo, khóc nức nở
Tôi cũng gặp một em (Mẫu giáo)
Ðến thăm tôi, em nước mắt tràn đầy.
Em kể lại, sau những ngày thống nhất
Ði đào khoai, em cụt một bàn tay!
(Thăm Lớp Mẫu Giáo — Thơ Trúc Lâm)
Không riêng gì anh Cao, mà mỗi cơ thể của chúng ta đều đã bị hao mòn, sứt mẻ ít nhiều. Nhưng khi Chúa tái lâm, những con chiên của Ngài sẽ biến hóa và thắng trận sau cùng. “Trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót thể hay hư nát nầy mặc lấy sự không hay hư nát” (I Cô-rinh-tô 15:52, 53). Xin tạ ơn Ðức Chúa Trời đã cho chúng ta sự chiến thắng qua Ðức Chúa Giê-su Cơ Ðốc.
Ðào Thanh Khiết