Một ngày nọ có người hỏi nhạc trưởng tài danh Hoa Kỳ Leonard Bernstein:
“Thưa Nhạc sĩ, chân nào trong dàn nhạc khó tìm người chơi nhất?”
Bernstein trả lời:
“Vĩ cầm thứ hai (second violin). Tôi có thể tìm nhiều người chấp nhận chân vĩ cầm thứ nhất, nhưng tìm được người cùng nhiệt tình bằng lòng chơi vĩ cầm thứ hai, kèn Tây (French horn) thứ hai, sáo thứ hai, thì thật là khó. Tuy nhiên, nếu không có người đàn vĩ cầm thứ hai, thì chúng ta không có sự hòa hợp âm điệu.”
Chế độ xã hội của loài người dựa trên sự phân biệt về dòng dõi, địa vị, giàu có, thứ bậc. Đa số người ta thích mình được tài giỏi hơn thiên hạ, ít ai chịu lãnh địa vị khiêm nhường. Khi Đức Chúa Giê-su giáng thế, Ngài có thể chọn địa vị cao sang, quyền quý, nhưng không; Ngài chọn địa vị thấp kém nhất, khiêm nhường nhất trong xã hội – sinh ra trong máng cỏ lừa ăn! Thay vì nắm giữ quyền lực thiên đàng, Ngài trở nên một người trong chúng ta. “Ngài phải trở nên giống như anh em Ngài trong mọi mặt để làm vị thượng tế, đầy lòng thương xót và thành tín trước mặt Đức Chúa Trời để đền tội cho dân chúng” (Hê-bơ-rơ 2:17, BDM).
Lời dạy về sự khiêm tốn là bài học áp dụng cho tất cả chúng ta, những người theo bước chân Đức Chúa Giê-su. “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn [tâm hồn] các ngươi sẽ được yên nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:29). Muốn tuân theo lề lối thiên thượng, chúng ta cần khắc phục những bản chất cố hữu của con người – tự cao tự đại, tham vọng ích kỷ. Như thế, chúng ta sẽ nhận được bình an trên bước đường phục vụ Chúa.
Thay vì bon chen, tranh giành quyền lợi cho cá nhân mình, người Cơ Đốc chấp nhận thiệt thòi bản thân; xem người khác là quan trọng hơn mình. Noi gương Chúa Giê-su, bổn phận của chúng ta là phục vụ đồng loại. “Kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi. Ấy vậy, Con người [Giê-su] đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Ma-thi-ơ 20:26-28).
Tổng thống Abraham Lincoln được mệnh danh là một trong những nhân vật vĩ đại của thế giới. Ông được các sử gia tuyên dương công trạng, không phải vì ông là tổng thống của nước Hoa Kỳ giàu mạnh, mà vì ông giải phóng dân da đen khỏi ách nô lệ. Đối với ông, mọi người sinh ra đều tự do, bình đẳng. Phương châm của ông là: “Không gây ác cảm với một ai; có lòng từ ái với mọi người.” (With malice toward none; with charity for all). Kinh Thánh dạy, “Tôi tớ của Chúa không nên ưa sự tranh cạnh; nhưng phải ở tử tế với mọi người” (II Ti-mô-thê 2:24).
Thế mới biết, người vĩ đại không phải là người đứng đầu, giàu sang nhất, thông minh nhất, tâm linh thông sáng nhất, hoặc đạo đức nhất – mà là người hết lòng phục vụ kẻ khác.
ĐàoThanh Khiết
0 243 2 minutes read