Kỳ trại hè toàn quốc năm nay, được chọn dưới chủ đề Dấn Thân Truyền Giáo. Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của thế giới nay. Mỗi người tín đồ cần phải thấy việc rao giảng sứ mạng tái lâm của Đức Chúa Giê-su và những lời tiên tri của Kinh Thánh là cần yếu. Chúng ta cần phải truyền giảng Đạo Chúa hăng hái hơn.
Chức vụ dấn thân truyền giáo là bổn phận và trách nhiệm của mọi tín đồ. Nhưng đặc biệt hơn, lịch sử hội thánh Chúa và thời gian Đức Chúa Giê-su ở thế gian, phụ nữ có đóng vai nào trong công cuộc truyền giảng Phúc Âm không?
Trong bốn sách Phúc Âm, sách Lu-ca nhắc đến nhiều người đàn bà góp phần trong công việc truyền giáo của Đức Chúa Giê-su trong thời gian Ngài sống trên thế gian hơn cả. Đàn bà thời ấy không được đi học như đàn ông. Đi học thời ấy là học lịch sử và Kinh Thánh. Các thầy thông giáo không được phép nhận học trò nữ, nhưng chúng ta còn nhớ câu chuyện của Ma-thê và Ma-ri-Ma-đờ-len, hai người em gái của La-xa-rơ không? Trong Lu-ca 10:38- 42 ghi lại Đức Chúa Giê-su đã giảng dạy Kinh Thánh cho họ, và họ ngồi dưới chân Chúa để học hỏi lời Chúa dạy.
Đúng ra nếu chúng ta theo dõi cuộc đời hành đạo của Đức Chúa Giê-su chúng ta sẽ thấy Chúa không theo truyền thống của xã hội, mà Ngài đã đối đãi với phụ nữ không thua kém gì cách Ngài đối xử với những người nam theo Ngài. Sách Lu-ca 8:2,3 ghi lại những người đàn bà cùng đi theo Chúa và 12 môn đồ để góp phần vào công tác truyền giáo của Ngài.
Ba sách Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca kể lại câu chuyện người đàn bà có bệnh xuất huyết. Theo luật Do Thái thời ấy, bà ta bị xem là ô uế vì bệnh trạng của mình. Nhưng người đàn bà nầy đã lấy đức tin mà xen vào giữa đám đông để được rờ áo Chúa vì bà tin rằng quyền năng Ngài sẽ chửa bệnh cho mình. Quả thật ngay lúc bà rờ áo Chúa, bệnh của bà liền lành! Đức Chúa Giê-su có thể làm thinh không nhắc gì đến việc nầy, nhưng Chúa đã hỏi to, ai đã rờ áo ta? Các môn đồ cũng phải nói, thưa thầy, cả trăm người chen lấn nhau, làm sao biết được ai đã rờ áo thầy. Nhưng người đàn bà biết mình đã cố ý rờ áo Chúa và đã được chửa lành, không dấu được nữa bà chạy ra sấp mình trước mặt Chúa. Việc Đức Chúa Giê-su lớn tiếng hỏi đã buộc bà trở thành một nhân chứng về phép lạ của Chúa và bà đã phải rao truyền về việc Chúa đã chữa lành bệnh của mình. (Lu-ca 8:47, 48).
Thế nào là một người truyền giáo? Người truyền giáo là người rao báo tin mừng của Phúc Âm. Rao truyền sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Giê-su để mang nhiều người về cùng Đấng Cứu Thế. Đó là mục tiêu, mục đích của một nhà truyền giáo. Nếu vậy thì có phải những người đàn bà đến thăm mộ Chúa sau ngày Sa-bát, vào buổi sáng thứ nhất trong tuần lễ có phải là những nhà truyền giáo không? Cả bốn sách Phúc Âm đều nói rằng những người đàn bà kể cả một người tên Ma-ri và một người tên Ma-ri Ma-đờ-len là những người đầu tiên được thiên sứ cho biết và Đức Chúa Giê-su đã hiện ra cùng họ sau khi Ngài sống lại. Và cả bốn sách đều ghi lại rằng họ đã loan báo tin Chúa đã sống lại từ kẻ chết cho nhiều người. Sứ mạng của chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng phải rao truyền cho thế gian biết tin mừng về sự sống lại của Đức Chúa Giê-su, rằng Ngài đã chết thay cho tội lỗi chúng ta và Ngài đã chiến thắng sự chết và đã sống lại.
Những năm Chúa ở trên trần và hành đạo, qua cách Chúa đối xử với bất luận nam, nữ, người lớn hay trẻ con, đều cho chúng ta biết một điều chắc chắn rằng, dưới mắt Chúa, chúng ta thảy đều như nhau. Và thật vậy, vì Chúa đã chết cho mỗi một người trong chúng ta. Như sứ đồ Phao Lô đã viết trong bức thư gởi cho hội thánh Ga-la-ti, “Tại đây không còn chia ra người Do Thái hay người Gờ-réc; không còn người tôi mọi hay người tự chủ; không còn đàn ông hoặc đàn bà; vì trong Đức Chúa Giê-su, anh em thảy đều làm một” (Ga-la-ti 3:28).
Sách Giăng còn kể lại một nhân vật phụ nữ khác đã làm người rao báo rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng Mê-si hay là Chúa Cứu Thế. Đó là người đàn bà Sa-ma-ri.
Trong một lần đi ngang xứ Sa-ma-ri, Đức Chúa Giê-su đã ngồi nghỉ nơi mé giếng của người Sa-ma-ri, và Ngài đã xin người đàn bà nơi giếng nước cho Ngài xin nước uống. Việc Chúa hàn huyên với một người phụ nữ Sa-ma-ri là một điều cấm kỵ mà dân Giu-đa không bao giờ làm. Nhưng Giăng 4:28 nói rằng người đàn bà khi nhận biết Đức Chúa Giê-su là Chúa Cứu Thế, bà đã chẳng chần chờ chạy về trong làng hô hào lên cho mọi người biết rằng bà đã gặp Chúa và đã nghe được sứ điệp của Ngài. Người đàn bà nầy đã làm công việc truyền giáo. Qua câu 39, chúng ta thấy bà ta không giảng cho mọi người, nhưng bà ta “mời” người ta đến để thấy tận mắt nghe tận tai Đấng mà đã truyền cho bà ta Lẽ Thật. Mỗi lần hội thánh chúng ta tổ chức truyền giảng cũng vậy. Chúng ta phải gieo giống để mang người về cùng Đức Chúa Giê-su. Chúng ta không cải hóa được ai, chính Đức Chúa Thánh Linh là Đấng sẽ làm điều ấy. Ngài có quyền năng thay đổi lòng dạ của con người. Câu chuyện người đàn bà Sa-ma-ri nơi giếng nước cho chúng ta thấy, cả trong thời Đức Chúa Giê-su, Ngài đã không theo truyền thống và phong tục của thời ấy, mà Ngài đã giảng đạo Ngài cho một người không chỉ là đàn bà mà thôi, mà còn là một người Sa-ma-ri, và Ngài đã dùng người đàn bà ấy để làm người mang sứ điệp tin lành đến cho mọi người. Và còn hơn nữa, người đàn bà nầy là một người đàn bà có thành tích không chính chuyên, vậy mà Chúa đã dùng bà. Điều nầy cũng dạy cho chúng ta thấy chúng ta không thể xét đoán ai là người xứng đáng để đi hầu việc Chúa hay không. Và sự chết của Chúa chuộc tội cho linh hồn mọi người, nam cũng như nữ; xấu cũng như hiền.
Nguyễn Ngọc Liên
0 265 5 minutes read