Cứ mỗi năm nhân ngày Lễ Mẹ tôi lại được nghe được thấy những biểu lộ tình cảm thân thương của các người con dâng lên cho Mẹ. Bằng nhiều cách thể hiện, có thể là một bông hồng cài lên áo mẹ, một tấm thiệp đỏ chúc mẹ sống lâu, một gói quà xinh xắn thân thương, hay một ổ bánh cake mới đặt, một giỏ hoa tươi thắm, một tiệc nhỏ vui vui . . . Hình thức thể hiện có khi trong chốn riêng tư, có khi trong khung cảnh gia đình, có khi trong sinh hoạt hội thánh, nhưng tựu chung đều biểu lộ tình cảm sâu sắc hướng về những người Mẹ mà một đời chỉ biết lo cho con từ chuyện học hành, cơm áo đến nỗi buồn, niềm vui chia sẻ từ lúc sinh con đến lúc lìa đời.
Lễ Mẹ ở Mỹ mang chung ý nghĩa như Tri ân Phụ mẫu bên quê nhà, cùng là dịp nhắc nhở những người con về lòng hiếu kính đối với cha mẹ, một nghĩa vụ trở thành một trong mười điều răn mà từ thuở Sáng thế Thượng đế đã phán dạy dân sự của Ngài. Có điều lạ là chỉ điều răn này Chúa mới đặt một lời hứa đi kèm mà kẻ nào làm theo sẽ hưởng được ơn phước ‘sống lâu trên đất’ (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12). Cũng theo tục lệ quê ta, dù là những người không mang niềm tin trong Chúa, việc hiếu kính chăm sóc mẹ cha, tôn quí ông bà cũng là bổn phận thiêng liêng cháu con gìn giữ. Cho nên một khi được kể là thiêng liêng thì việc tỏ lòng hiếu kính trở thành mối quan hệ tình cảm máu thịt, một chu kỳ thương yêu khắn khít quay đều từ thế hệ này sang thế hệ kia. Điều quan trọng là cách thể hiện làm sao và lúc nào để đẹp lòng cha mẹ thì vẫn là niềm trăn trở, bức xúc đối với những người còn mẹ còn cha và đôi khi trở thành ân hận, tiếc nuối trong những trường hợp mẹ cha đã đi vào yên nghỉ.
Là bậc làm cha mẹ, lại ở tuổi thất thập cổ lai hy, người viết có nhiều dịp được nghe những phát biểu của các bạn trẻ trong những ngày Lễ Mẹ, đại thể thì cũng là những cảm xúc bình dị mộc mạc, những ký ức tuổi thơ về tình mẹ tình cha tình bà tình cháu, nhưng có lúc cũng được nghe những tỏ lộ đau thắt quặn lòng khi có những người trẻ tỏ niềm ân hận ray rứt vì không trọn tình nghĩa vụ làm con, thậm chí có cả những tiếc nuối sao không ôm mẹ, hôn mẹ thường xuyên, sao không chăm sóc, gần gũi, an ủi mẹ, để rồi tự ân hận vì đã không nhín đủ thì giờ, không tìm cơ hội, không tạo điều kiện để phụng dưỡng mẹ cha khi các bậc sinh thành là những người còn sống trên đất.
Lòng mẹ vốn dĩ bao la, mà từ khi được sáng tạo từ bàn tay của Chúa vẫn là biểu tượng của tình mẫu tử thiêng liêng, của suối nước ngọt ngào, của dòng sông phước hạnh. Người mẹ luôn luôn là bến đợi, là chốn nghỉ ngơi, là nơi an ủi, là bóng mát cuộc đời, là nước mắt chảy xuôi cho những tâm hồn mà đến tuổi năm mươi cũng còn muốn nằm trong vòng tay mẹ. Chẳng vậy mà có ai đó đã thốt ra . . . mỗi người chỉ có một mẹ, một mẹ mà thôi, trong cõi đời này, trong thế gian này/đừng chờ cho đến ngày mai, mới nói với mẹ mình rằng/con thương mẹ quá, mẹ ơi! Cho nên mỗi người trẻ hôm nay hãy mạnh dạn nói lời thương yêu ngay lúc này qua tiếng nói của con tim, trong vòng tay trìu mến. Xin tìm mọi cơ hội, thời giờ để trao những nụ hôn, những nụ cười, những lời an ủi xuất phát từ đáy lòng – thông qua tình yêu của Chúa – với người mẹ yêu dấu của mình. Hãy liên tưởng hình ảnh lòng thương cảm của Chúa Cứu Thế trước lúc tắt hơi trên cây thập giá vẫn còn quan tâm ưu ái gởi gấm người mẹ phần đời của mình cho người môn đồ tin yêu. Riêng với những ai còn mẹ còn cha, người viết xin gởi đến một đoạn thơ đăng trên tinhuu.net, như một lời nhắn nhủ thân thương:
Hãy yêu ta/khi ta còn sống
đừng để khi ta rời cõi tạm này
mới khắc những lời ngọt ngào
trên mộ bia lạnh giá.
(Robert Moreno, “Love me now”)
Nhớ Ngày Mẹ Hiền/Mother’s Day 2009
Đỗ Thảo Dzu
0 349 3 minutes read