Tôi viết bài này phân vân khi nhắc đến tên một người mà tôi biết chị không muốn. Nhưng viết chứng đạo thì phải viết người thật, việc thật. Tôi xin kể về chị Phan, một tín đồ Cơ Đốc cùng cư xá với gia đình tôi. Xưng là chị nhưng chuyện cách đây cả ba chục năm, nay thì chị cũng già và tuổi chúng tôi cũng sắp loại cổ lai hy.
Vợ tôi biết chị sau 75. Tôi biết chị mười năm trễ hơn. Nhưng cư xá thì mọi người đều biết chị, một y tá của phường, chích dạo thêm cho bà con cư xá ngoài giờ. Không biết có phải do đòi hỏi của nghề nghiệp mà thấy chị lúc nào cũng cười, một nụ cười vừa tươi vừa chân thật. Gặp chị là thấy như được an ủi, được giúp đỡ, được một cái gì đó từ nơi chị làm cho nhẹ lòng, tan bớt phiền lo.
Nói như vậy không phải chị không có những nỗi buồn, nhưng bản thân chị ít khi tỏ ra cho người khác thấy mình buồn, ngay cả những lúc thiếu thốn hay có sự buồn phiền trong gia đình. Tất nhiên trong cuộc sống sau 75, gia đình nào cũng có những khó khăn, tùy hoàn cảnh ít nhiều cũng có những bất hạnh không tiện nói ra.
Vì được bà con tín nhiệm, ai kêu chị đi, ai gọi chị đến, bất kể đêm hôm khuya khoắt, điện cúp tối om, từ lầu này sang lầu kia, từ nhà này sang nhà nọ, làm như chị không biết mệt. Công xá thì chẳng được bao nhiêu, vì ai cũng trong cảnh nghèo, lúc bịnh hoạn cần thuốc cần chích thì lại càng túng ngặt thiếu thốn. Có điều bận gì thì bận, cứ thứ Bảy là người ta thấy chị nghỉ, đạp xe đi nhà thờ dưới miệt Phú Nhuận. Có lúc chị đi một mình, nhưng thường thì chở theo một người, đàn bà có, con gái có, tất nhiên chỉ là phái nữ. Phải công nhận chị khỏe, hoặc tỏ ra là khỏe. Xe thì cũ, đường thì dài, người ngồi sau cũng đâu phải nhẹ, nhưng chị vẫn vui vẻ, miệng nói chân đạp đưa người khách đi đến nơi rồi lại đưa về xem ra chu đáo. Nghe nói có lần con gái bà Giành không chịu chị chở, không chịu cả xe buýt, rốt cuộc chị phải thuê xích lô! Con bé sau này cũng theo đạo.
Rồi do sự rủ rê thế nào, mà vợ tôi cũng là một trong những người chịu . . . ngồi sau. Vậy trong trường hợp nào, duyên cớ làm sao, thì được nhà tôi kể lại . . .
Có một lần vợ tôi đau khá nặng, bác sĩ cho thuốc bảo cần phải chích. Trong cư xá y tá chích dạo thì chỉ có chị, nên cho con lên gọi chị. Chị xuống chích cho ít bữa, bệnh giảm nhiều. Chị em trở nên quen nhau, thông cảm nhau. Biết nhà tôi có chồng đi cải tạo, lại bặt tin tức cả năm (vì bị đưa đi Bắc), chị an ủi ít điều và khuyên nên cầu nguyện. Cầu ai, cầu như thế nào, chị chỉ dẫn từng bước. Nghe chị khuyên mà cứ như giảng đạo. Nể chị, nhà tôi cứ làm theo, còn tin thì chưa hẳn là tin (lúc này nhà tôi còn theo đạo thờ ông bà).
Rồi vợ tôi hết bịnh, chị vẫn ghé thăm có phần thường xuyên hơn. Khi có mớ rau con cá mua được của phường chị xách theo dúi cho đám nhỏ nhà tôi, nể tình chị nhà tôi cũng nhận. Nhưng xui khiến thế nào, một hôm vợ tôi cần hỏi chuyện gấp về thuốc uống, bả chạy thẳng lên lầu. Nhằm lúc cơm chiều, nhìn vào mâm cơm thì chỉ có đĩa rau bắp cải trộn ít nước dưa chua, một chén mắm ớt, còn con cá lẽ ra nó nằm trên cái mâm này thì nó đã . . . chui vô nhà tôi! Từ đó mỗi khi chị cho gì, vợ tôi phải đắn đo hỏi kỹ, dù chỉ là chuyện thơm thảo. Về sau mới biết là cái tính của chị thích chia xẻ, dù chẳng có gì nhiều mà xẻ chia.
Rồi tới khi thân hơn, chị đi thẳng làm chứng về Đức Chúa Trời, về Đức Chúa Giê-su, về ơn cứu rỗi, về sự tha tội, về đạo của chị. Vợ tôi nghe chị, tuy thấy dễ nghe, nhưng lòng còn cứng cỏi, chuyện theo thì chưa nghĩ tới.
Ít tháng sau, chị đi xa hơn, chị rủ bà xã tôi đi nhà thờ. Chị trấn an là có nhiều cái lạ lắm phải đến nhà thờ nghe mục sư giảng mới hiểu. Mặc dù rất ngại, nhưng nể tình chị em, nhà tôi cũng nhận lời, rồi trở thành người ngồi sau yên xe của chị hồi nào không hay.
Đi nhà thờ cũng bữa đực bữa cái, nhưng chị vẫn không chịu thua, cứ bám sát con “mồi”. Đôi khi vợ tôi bảo con ra nói dối mẹ con đi vắng, chị vẫn tin, bận sau tới tiếp. Vậy mà công khó của chị được bù đắp, nhà tôi chịu đi nhà thờ một cách tự nguyện, rồi cho con cái cùng đi. Ít lâu sau, được mục sư dạy giáo lý, cả mấy mẹ con trở thành con cái Chúa. Chuyện nghe như đơn giản, nhưng nó cũng trải qua một quá trình, mà về sau mới hiểu là có sự làm việc của Đức Thánh Linh.
Năm tháng cứ trôi, việc ai nấy làm, nhưng chuyện làm chứng về Chúa của chị lan sang các nhà kế cận. Lầu A, lầu B, rồi tận lầu E, nhà nào có dịp là cứ vô, mà vô được là tìm cách “giảng đạo”! Chú công an khu vực bắt đầu để ý. Một hôm gặp chị, chú chỉ thẳng mặt, “cái chị này là hay rủ rê người ta đi nhà thờ, cư xá này ai cũng nói.” Chị vẫn cười đáp lại, “thì chú thấy tôi rủ họ đi làm lành, làm tốt chứ có gì sai quấy đâu. Còn giúp cho an ninh cư xá đấy!” Riết không thấy chú ta nói gì. Chỉ biết có một lần người ta gặp chú đi . . . nhà thờ, bữa đó trùng hợp bài giảng của Mục sư Sơn khuyên “phải vâng phục các đấng cầm quyền, vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời” (Rô-ma 13:1). Từ đó chú làm ngơ cho chị, mọi sự nhóm họp, thăm viếng sau này thấy có mòi dễ thở.
Cũng cần nói thêm trong cách làm chứng của chị, tuy chẳng học ở trường nào, nhưng cứ biết đến đâu nói đến đó, chân tình mộc mạc, chẳng ép chẳng nài, cũng không chê bai đạo này đạo nọ. Hình như chị chịu ảnh hưởng lối dạy dỗ của mấy mục sư lão thành hồi ở miền Trung thời các cụ MS Xuân, MS Thiện. Tôi nhớ hồi cuối thập niên tám mươi, Cụ Xuân ở Mỹ về được chị dẫn lên cư xá tôi. Có điều hay là các “con mồi” của chị đủ mọi thành phần, ai chị cũng chơi, chế độ cũ, chế độ mới, có học, ít học, nhà ăn thịt heo, chồng hay uống rượu, bà mẹ hay đánh con, chị hai bán thuốc lá, chú bảy hay chửi bậy, nhà số 3 chuyên gây hàng xóm để con gây lộn tối ngày v.v . . . Trong khi giảng đạo chị cũng không chê tục thờ cúng tổ tiên, ăn ba cái đồ cua xò ốc hến, chị nói từ từ theo đạo họ sẽ hiểu. Cho nên nói cho ngay chị đến với ai cũng dễ có sự cảm thông, làm họ không ngại khi phải nghe về cái đạo của chị.
Kiểm lại mấy chục năm đi gieo hạt giống, chị mang người về với Chúa cũng khá đông. Dắt được ai giao liền cho Ông De, Ông Tấn, kẻ làm chứng, người dạy giáo lý, làm phép Báp-têm. Tất nhiên hạt giống có rơi rớt dọc đường, có người nghe đạo vui mừng chịu lấy, có kẻ vì cớ say đắm đời này nên bị nghẹt ngòi, nhưng nói chung chị Phan rất được ơn, tụi tôi cứ nói đùa là chị “có tay”, đưa ai về là chắc người đó, lại còn nhân thêm. Viết mấy dòng này cũng là dịp để biết ơn chị đã dắt gia đình tôi về với Chúa và cũng xin có lời an ủi là công khó của chị Chúa sẽ không quên, tuy cuộc sống ở thế gian này có nhiều lúc thử thách dễ làm cho con người nhụt chí.
Đỗ Xuân Thảo
0 1,639 6 minutes read