Điều răn về ngày Sa-bát là nền tảng cho tất cả mọi điều răn khác, hay nói đúng hơn, là nền tảng cho chính tôn giáo. Điều răn này nói rõ ngày nào là ngày để thờ phượng, để suy gẫm, để thông công với thiên nhiên và Đức Chúa Trời.
Nếu không có ngày Sa-bát, thì mỗi ngày đều là ngày làm việc, và đời sống là một vòng tròn liên tục để theo đuổi những điều thuộc thế gian. Cõi thiên nhiên không biết ngày Sa-bát. Cây bắp mọc mỗi ngày; Cỏ cây cũng vậy. Bão tố, mưa gió, mặt trời, mặt trăng không giữ ngày Sa-bát. Các thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, xảy ra bất cứ ngày nào trong tuần. Tuần lễ có 7 ngày dường như không đủ để chúng ta làm xong tất cả mọi việc. Nếu không có ngày Sa-bát, loài người sẽ làm việc mỗi ngày mà cũng không hết việc.
Nhưng Đức Chúa Trời biết chúng ta cần nghỉ ngơi, cả phần thuộc thể và thuộc linh. Giữa những lo toan của cuộc đời, Ngài khuyên và kêu gọi loài người tạm ngừng các sinh hoạt thường nhật và chú ý đến những điều thuộc linh. Sự nghỉ ngơi thuộc thể trong ngày Sa-bát không làm loài người chậm trễ trong công việc hằng ngày, nhưng trái lại cho họ sự hăng say và sức lực để làm việc trong những ngày khác. Sự nghỉ ngơi này giúp họ bồi bổ sức khỏe để làm được nhiều việc hơn trong sáu ngày kia. Ngày Sa-bát cũng là ngày của gia đình, vì vợ chồng con cái đều đến thánh đường thờ phượng Chúa. Chiều Sa-bát, họ có dịp sinh hoạt và dùng bữa với nhau, có cơ hội học kinh thánh hay đi dạo bên bờ hồ, ngắm cảnh thiên nhiên để học hỏi về công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời. Nhưng ngoài các lợi lộc về vật chất, linh hồn được hướng lên cao qua sự thờ phượng, được đối diện với chính mình và Đấng Tạo Hóa. Họ có thì giờ để học hỏi lời Chúa, nghiên cứu những đề tài quan trọng như sự cứu chuộc, tình yêu thương của Đấng Christ, thiên đàng, sự sống đời đời và suy gẫm sâu xa hơn về mục đích đời sống mình trong chương trình của Đức Chúa Trời.
Phạm Thanh Minh