Nhận được tin Ông Phạm Ngọc Ẩn ỡ Seattle qua đời, lòng tôi nặng trĩu với sự mất mát. Rồi ba ngày sau nhìn thấy Ông Trương Văn Thương trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện ở San Diego. Chỉ trong mấy ngày mà hai người thân thương của tôi đã qua đời. Như vậy niềm hy vọng gì trong sự mất mát này? Cùng lúc ấy mùa lễ Phục Sinh đến thì tôi mới hiểu ý nghĩa sự phục sinh là gì.
Hằng năm cả thế giới đều biết về lễ Phục Sinh đó là niềm hy vọng cho nhân gian. Lễ Phục Sinh không chỉ là tưởng niệm Chúa Giê-su đã bị đóng đinh trên thập tự giá, hay nhớ đến Chúa chết trên đồi Gô-gô-tha hay vui mừng Ngài sống lại vào sáng Chủ Nhật nọ. Nhưng lễ Phục Sinh là hướng chúng ta về tương lai, về niềm hy vọng mà lúc người quá cố sẽ sống lại.
Khi Ngài hồi lai, Vua của muôn vua sẽ ngự xuống trên các đám mây bao bọc trong sự vinh hiển. Giữa sự quay cuồng trên mặt đất và tiếng gầm thét của sấm sét trên cả bầu trời, sẽ có tiếng kêu gọi của Con Đức Chúa Trời cho những người đang ngủ, “Hỡi kẻ ở trong bụi đất, hãy thức dậy, hãy hát!” (Ê-sai 26:19). Những người đã qua đời trải qua các thời đại và thế kỷ, sẽ nghe lời phán ấy, và ai nghe sẽ được sống. Từ các cánh cửa ngục tù của mồ mả, họ sẽ bước ra và được khoác áo sự sống đời đời, rồi họ sẽ kêu lên, “Hỡi sự chết, sự chiến thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mấy ở đâu?” (I Cô-rinh-tô 15: 55).
Những kẻ sống lại từ mồ mả phát sinh một sức sống của thời niên thiếu vĩnh cửu. Những khuyết tật, những bệnh hoạn, những tội lỗi, đều chôn vùi dưới lòng đất. Còn những kẻ sống công chính sẽ thay đổi, trong giây phút, trong nháy mắt” (I Cô-rinh-tô 15:52). Thiên sứ sẽ “Nhóm lại những kẻ đã được chọn của Ngài ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời này cho đến tận phương kia” (Ma-thi-ơ 24:31). Những kẻ sống công chính và những kẻ sống lại sẽ cùng một tiếng hát vui mừng của sự chiến thắng.
Những đứa bé sống lại từ trong lòng đất sẽ chạy đến vòng tay của người mẹ yêu thương. Vợ chồng ly biệt bởi sự chết, nay được đoàn tụ. Cha mẹ phải qua đời để lại con thơ, nay được trùng phùng. Họ cùng nhau vui hát cùng tiến đến đến thành của Đức Chúa Trời.
Đó làm niềm hy vọng duy nhất cho nhân gian, ấy là được sống lại để gặp thân nhân và gặp Đấng Cứu Chuộc. Sự hy vọng chiếm ngự lòng tôi vì tôi sẽ gặp lại Ông Phạm Ngọc Ân và Ông Trương Văn Thương.
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh