Ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên của những người di dân Âu châu tại vùng đất mới ở Mỹ châu là để cảm tạ ơn Thiên Chúa đã đưa họ đến đất mới bình an và họ đã sống sót được qua nhiều tai biến.
Năm 1620, 102 người Pilgrims đã đến vùng biên cương mới nầy vì họ muốn đi đến một nơi mà họ được có sự tự do thờ phụng Thiên Chúa. Những bệnh tật nơi chốn địa đầu, một mùa đông nghiệt ngã, và những tháng ngày cơ cực không đủ lương thực qua ngày, 56 người đã bỏ mạng tại vùng đất mới. Vùng đất mới rộng mênh mông nhưng đầy những chông gai, không giống như quê hương họ đã bỏ đi. Dầu vậy những người nầy nhất quyết không bỏ cuộc, họ phải tranh đấu với môi trường để tồn tại. Năm 1621, 46 người Pilgrims và 91 người thổ dân đã họp nhau lại để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã cho họ được mùa và đã cho họ sống còn.
Những người nầy đã trải qua biết bao cam khổ, họ có nhiều lý do để than thở, để nhụt chí, để than vãn; nhưng họ đã chọn sự bày tỏ lòng biết ơn. Hành động của người Pilgrims nhắc chúng ta đến những lời giảng dạy trong Kinh Thánh của một tiên tri của Đức Chúa Trời, tiên tri Ha-ba-cúc, “Vì dầu cây vả sẽ không nứt lộc nữa, và sẽ không có trái trên những cây nho; Cây ô-li-ve không sanh sản đồ ăn; Bầy chiên sẽ bị dứt khỏi ràn, và không có bầy bò trong chuồng nữa. Dầu vậy, tôi sẽ vui mừng trong Đức Giê-hô-va, Tôi sẽ hớn hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi tôi. Đức Giê-hô-va là Chúa, là sức mạnh của tôi.” – Ha-ba-cúc 3:17-18.
Bối cảnh của xã hội của dân Y-sơ-ra-ên thời ấy là một xã hội suy đồi, bội đạo, khủng bố và đầy hoạn nạn. Ha-ba-cúc giảng những lời nầy vào một thời kỳ mà con người đã xa lìa Đức Chúa Trời là Chúa của họ. Và dân Y-sơ-ra-ên sắp bị dân ngoại bang là người Ba-bylôn hùng mạnh tấn chiếm. Đức Chúa Trời đã không giang tay Ngài ra để chận đường bành trướng của Ba-by-lôn và để cứu vớt tuyển dân của Ngài nữa. Mới đầu nhà tiên tri không hiểu tại sao Đức Chúa Trời chẳng làm một phép lạ và diệt hết mọi tội lỗi và sự khổ đau khỏi xã hội loài người và đưa mọi người quay trở lại con đường trung chính. Ông biện luận với Đức Chúa Trời sự suy nghĩ của mình. Nhưng dần dần ông ý thức được rằng Đức Chúa Trời là Thiên Chúa, và Ngài không phải là một Đấng để người ta thờ lạy và kính sợ chỉ vì Ngài ban cho họ phước hạnh của đời nầy; mà Ngài là Đấng chúng ta phải thờ lạy và kính sợ vì Ngài là Thiên Chúa! Ngài là Đấng Tạo Hóa. Ngài là Đấng đã tạo dựng nên con người và vũ trụ, và Ngài là Đấng yêu thương chúng ta vô vàn. Và nhà tiên tri đã chấm dứt bài ca của mình bằng những lời cảm tạ Chúa. Ông nói rằng Đức Chúa Trời là Đấng Vô Cùng, những điều Ngài làm có thể chúng ta không hiểu được, nhưng chúng ta chỉ phải nhớ rằng chúng ta luôn luôn có Ngài.
Mùa Lễ Tạ Ơn của người Hoa Kỳ là một truyền thống kỷ niệm những người tiền phong đã bày tỏ sự hạ mình của họ nơi vùng biên cương mới. Họ ý thức được khả năng yếu kém của mình, sự nhỏ nhoi và yếu đuối của sức người trước sự hùng vĩ của thiên nhiên; và qua những điều ấy, lòng họ tràn đầy niềm biết ơn đối với Đấng đã tạo dựng nên thế gian và có quyền trên vũ trụ.
Mùa Tạ Ơn cũng báo hiệu một năm sắp tàn. Một năm đã qua, đời sống chúng ta cũng đã có những lúc phước hạnh, và cũng có những điều không được như ý. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có sự vui mừng như tiền nhân và giữ một tấm lòng biết ơn. Chúng ta biết ơn vì Chúa đã cho chúng ta sự sống, cho chúng ta có những người thân, cho chúng ta có những điều mà ngày chúng ta đến trong cuộc đời, chúng ta chẳng có gì hết. Chúng ta hãy tỏ lòng biết ơn vì biết rằng cho dù thế nào, hoàn cảnh nào, trạng huống nào, chúng ta cũng có Chúa bên mình, và vương quốc của Ngài không phải chỉ là nơi trần giới với cuộc sống 70, 80 năm. Vương quốc của Ngài là nơi mà lời Kinh Thánh đã khải thị, “Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai mà đến, nói rằng: nầy, …Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa; vì những sự thứ nhứt đã qua rồi. Đấng ngự trên trời phán rằng: Nầy, ta làm mới lại hết thảy muôn vật.” – Khải huyền 21:3-4.
Ngọc-Liên