Mùa Giáng Sinh có thể nói là mùa vui nhất trong năm trên cả thế giới. Đầu tháng mười hai là những cửa hàng lớn hoặc nhỏ bắt đầu trưng bày đủ màu xanh đỏ với những món quà Giáng Sinh đẹp mắt. Những ngôi đền thờ tổ chức chương trình Thánh Nhạc khang trang. Những căn nhà phô trương giàn đèn sáng chớp lóng lánh. Nhìn vào mé cửa sổ của căn nhà thì thấy cây Nô-en trang hoàng màu sắc rực rỡ nào là dây kim tuyến, nào bóng đèn xanh tím; Còn ở dưới gốc cây thì đầy những món quà để tặng cho nhau. Không có gì bằng tỏ tình thương bằng cách trao quà cho nhau trong mùa Giáng Sinh.
Như vậy, món quả nào quý nhất trong mùa Giáng sinh? Món quà nào gọi là vô giá, món quà nào tồn tại mãi mãi, món quà nào đem lại vui mừng cho những kẻ gặp khó khăn, đem lại sự yên ủi cho kẻ than khóc, nhất là đem hy vọng cho những người sa ngã?
Đó là mở 11 quả “Giáng Sinh” trong dịp lễ Giáng Sinh. Ai cho món quà “Giáng Sinh” ấy? “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Chỉ có Đức Chúa Trời cho chúng ta món quà ấy. Bạn có chấp nhận món quà ấy không? Chúng ta không thể hiểu tường tận món quà Giáng Sinh. Nhưng chúng ta có thể có một ít khái niệm về món quà này qua chuyện người canh gác cầu.
Công việc của ông này là vận máy cho cầu hạ xuống để cho xe lửa băng qua và vặn máy cho cầu rút lên để cho tàu đi qua sông. Một lần nọ, ông dẫn con đi theo. Ngày ấy thật là thong thả. Ông ngồi đọc báo, con ông thì chơi quanh quẩn đâu đó.
Ông chợt nghe một tiếng kêu thất thanh, “Cha ơi! cứu con với, Cha ơi!” Ông tìm kiếm nghe tiếng vang ở đâu. Nhìn xuống thì thấy con mình đang kẹt dưới hầm cầu. “Cha ơi, cứu con với!” Ông vừa leo xuống đi cứu con thì bỗng nhiên nghe tiếng xe lửa CHU CHU CHU. Đó là dấu hiệu để ông hạ cầu xuống trong vòng 5 phút cho xe lửa băng qua. Ông biết rằng không thể nào trèo xuống sân cứu con và hạ chiếc cầu xuống kịp thời. Nếu hạ chiếc cầu xuống kịp cho xe lửa băng qua thì thanh cầu sẽ đè chết đứa con yêu dấu của mình. Một bên thì nghe tiếng xe lửa đến gần, bên kia thì nghe tiếng con yêu dấu van khóc, “Cha ơi! ” Ông băn khoăn tự hỏi, “ Cứu con mình hay là cứu hàng trăm người trong những toa xe lửa? ”
Ông quyết định chạy máy hạ thanh cầu xuống với cả tấm lòng đau đớn. Ông hy sinh con mình để cứu nhiều người. Tình yêu của Đức Chúa Trời còn hơn thế nữa. Ngài đã ban con một của Ngài là Đức Chúa Giê- su cho chúng ta. Món quả này là tình yêu thiên thượng, vô biên của Chúa. “Sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời”(Rô-ma 6:23). Qua Đức Chúa Giê-su chúng ta tìm được sự sống. Ngày nay chúng ta hãy nhận món quà quý báu ấy với lòng biết ơn Chúa.
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh