Ông Rạng giật mình tỉnh giấc. “Bốn giờ sáng”, ông lão lẩm nhẩm một mình. Thói quen thật là một bản tính kỳ lạ. Năm chục năm rồi, thân phụ ông đã qua đời hơn ba mươi năm, vậy mà cứ bốn giờ sáng là ông Rạng thức giấc. Bốn giờ sáng là giờ cha ông thường đánh thức ông dậy, ngày còn bé, lúc hai cha con còn ở nông trại. Thường thường thì ông Rạng cũng có thể quay lưng qua ngủ tiếp, nhưng sáng nay là 25 tháng 12, ngày lễ Giáng Sinh. Ông Rạng mơ màng, tưởng nhớ đến ngày Giáng Sinh của năm mươi năm về trước.
* * *
Rạng và cha mẹ, cùng chị và các em sống trong một nông trại nhỏ bé. Tuy gia đình không ngèo lắm, nhưng ai cũng phải làm việc vất vả thì gia đình mới đủ sống. Sáng nào cũng vậy, ngày lễ cũng như ngày thường, cứ bốn giờ sáng là cha Rạng đã gọi Rạng dậy để giúp cha một tay. Nào là cho gia súc ăn, vắt sữa bò, rồi lại súc rơm, bửa củi và quét tước quanh nhà. Vào tháng Mười Hai, trời bắt đầu trở lạnh, bốn giờ sáng mà phải tung chăn dậy quả là một ngại ngùng lớn lao.
Sáng hôm đó, 24 tháng 12, không hiểu sao Rạng lại tỉnh giấc trước khi cha gọi. Tiếng cha mẹ nói chuyện với nhau vọng đến phòng Rạng.
Tội nghiệp thằng bé, sáng nào cũng bị gọi dậy sớm quá.
Ông không đánh thức con dậy thì lấy ai giúp ông trong mọi công chuyện. Rạng nó đã mười lăm, lại là con trai trưởng, bây giờ là lúc nó cần phải học hỏi mọi việc quanh trại.
Tôi cũng biết vậy. Rạng đang tuổi lớn, nhìn nó ngủ say sưa sao tôi ghét phải đánh thức nó dậy quá. Ước gì tôi cáng đáng được mọi công việc một mình.
Cha Rạng nói xong, ông chép miệng thở dài. Rạng bỗng tỉnh hẳn giấc ngủ. Trong đầu óc Rạng cứ vang lên ý nghĩ: “Cha Rạng thương Rạng quá! Cha Rạng thương Rạng quá!” Không hiểu sao ngày trước Rạng lại không nhận ra tình thương đậm đà của cha. Có lẽ tại cha mẹ ít nhắc đến lòng thương của mình đối với các con. Lúc nào cha mẹ cũng bù đầu với các công việc quanh trại. Rạng đâm ra hối hận là mình đã càu nhàu cha lúc phải dậy sớm mấy hôm trước. Rạng ngồi dậy và thay quần áo. Lúc nghe tiếng cha gọi là Rạng đã sẵn sàng theo cha xuống sân. Gió bấc lạnh thổi hắt làm hai cha con cùng co ro, bước mau đến chuồng gia súc. Trời vẫn còn tối mịt. Các ngôi sao lấp lánh trên nền trời đen lại càng rực rỡ hơn, nhất là ngôi sao mai. Ông lẩm bẩm:
Ngày Đấng Cứu Thế ra đời, ngôi sao đưa đường cho các vị bác sĩ từ phương đông đến còn sáng hơn thế nữa.
Cha nói là Đấng Cứu Thế được sinh ra trong một chuồng chiên nghèo nàn có đúng vậy không?
Ừ, chuồng chiên đó rất là sơ sài, không chừng còn thua chuồng gia súc của mình. Dầu gì chuồng gia súc của mình còn được hai cha con mình quét tước, dọn dẹp sạch sẽ. Không hiểu có ai giúp ông Giô-sép một tay để dọn dẹp chuồng chiên ngày hôm đó không?
Hai cha con lấy rơm cho bò ăn và bắt đầu vắt sữa. Rạng nhìn quanh chuồng bò và ngẫm nghĩ đến chuyện ra đời của Đấng Cứu Thế. Đấng Cứu Thế, món quà lớn lao nhất mà Thượng Đế ban cho loài người, đã được sinh ra trong một chuồng bò cũng giống như chuồng bò của nhà Rạng. Nghĩ đến đây Rạng đâm ra mắc cỡ khi Rạng nhớ đến món quà Giáng Sinh mình mua cho cha ngày hôm qua. Vì gia đình không dư dả gì cho lắm nên ít khi anh em Rạng có nhiều tiền tiêu vặt. Thỉnh thoảng lúc Rạng giúp mây người hàng xóm bửa củi hay cắt rơm, Rạng cũng được họ trả tiền mặt. Đôi khi Rạng cất lấy để tiêu riêng. Tuần rồi lúc Rạng nhớ ra là gần đến ngày lễ Giáng Sinh thì số tiền Rạng có còn ít quá. Rạng đã đến một tiệm tạp hóa và mua cho cha món quà rẻ nhất trong tiệm. Hôm nay khi nghe cha mẹ nói chuyện về mình, Rạng ước gì mình đừng tiêu hoang, cứ để dành tiền mà mua cho cha mẹ một món quà thật đáng giá. Bây giờ thì trễ rồi, mai đã là lễ Giáng Sinh. Vừa nghĩ miên man, Rạng vừa đưa mắt nhìn cha nhanh tay làm việc trong chuồng bò. “Món quà lớn nhất của nhân loại bắt đầu từ một chuồng bò”, ý nghĩ đó bỗng vang dậy trong đầu óc Rạng. Rạng chăm chú nhìn cha làm việc. Rạng biết ngày mai mình sẽ cho cha món quà gì. Một món quà mà Rạng không cảm thấy mắc cỡ khi cha nhận lấy.
Sáng hôm sau, mới hai giờ sáng, Rạng đã lồm cồm ra khỏi giường. Rạng lặng lẽ thay quần áo trong bóng tối. Cầm đôi giày trong tay, Rạng rón rén ra khỏi nhà vì Rạng không muốn đánh thức ai dậy. Ra sân, Rạng xỏ vội đôi giày và bước mau đến chuồng gia súc. Vừa nhanh tay xúc rơm cho bò, Rạng vừa lẩm nhẩm xem mình sẽ làm gì kế tiêp để mọi việc được hoàn tất trước khi cha thức giấc. Rạng không biết là mình có làm nổi hết mọi công việc không nữa, nhưng lòng thương cha là một thúc đẩy mạnh mẽ. Rạng không hiểu sao hôm nay mình lại khỏe và nhanh nhẹn đến như vậy. Càng làm việc, lòng hăng say càng tăng, Rạng không thấy việc vắt sữa và dọn dẹp chuồng bò là một gánh nặng như mọi ngày nữa. Sắp đặt các thứ thật gọn gàng như cha vẫn làm hằng ngày, Rạng cất sữa vào ngăn đá xong là đã gần bốn giờ sáng. Rạng chạy vội về phía cửa sau. Cởi đôi giày, Rạng lại rón rén đi về phía phòng ngủ và leo lên giường trùm chăn lại. Bên phòng cha mẹ đã có tiếng lục đục. Rạng nằm im thin thít khi nghe tiếng cha gọi dậy. Rạng ngồi dậy và mỉm cười khi Rạng nghe tiếng cửa sau kẹt mở. Rạng ngồi chờ trong bóng tối. Gớm, lúc nãy làm việc suốt hai tiếng thì sao thì giờ qua mau thế; bây giờ ngồi yên đợi cha có mấy phút thì thời gian cứ đằng đẵng như không di động đến một giây! Tiếng cửa sau lại kẹt lần thứ hai. Rồi Rạng nghe tiếng chân cha đi mau đến phòng mình. Cánh cửa mở toang ra.
Rạng! Rạng! Mày tưởng mày gạt được cha hở con?
Nói vậy, nhưng cha Rạng mắt long lanh và miệng cười hớn hở. Rạng cũng nhe răng ra cười và nói:
Món quà Giáng Sinh của con cho cha đó.
Trong đời, cha chưa bao giờ được ai cho một món quà như vậy…
Tiếng cha Rạng bỗng tắt trong cuống họng. Hai cha con ôm chầm lấy nhau. Tình thương từ vòng tay khăng khít ôm trùm cả căn phòng và lan dần ra vũ trụ.
Xa xa vang vọng tiếng chuông buổi sáng như ca ngợi rằng: “Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, bình an dưới đất, ân trạch cho loài người.”
Pearl S. Buck, “Christmas In The Morning.”
LTMH phỏng dịch