Cho đến bây giờ tất cả mọi người đều biết thảm họa do động đất và sóng thần gây ra cho các quốc gia vùng Nam Á và Phi- châu, thật vô cùng khủng khiếp. Những đợt sóng cao tàn bạo san bằng các khu du lịch nổi tiếng, các làng mạc thị trấn thành bình địa. Những đợt sóng vô tình nghiệt ngã đã cướp đi mạng sống trên 250 ngàn người, làm cho hằng triệu gia đình ly tan, phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất và hằng trăm ngàn trẻ thơ trở nên mồ côi, không biết tương lai sẽ đi về đâu?
Qua biến cố động đất sóng thần vừa qua, chúng ta có thể nói những người sống sót là những người thật may mắn, mặc dù họ mất tất cả tài sản hay người thân. Còn những người đã chết hay mất tích thì sao? Dĩ nhiên, họ là những người kém may mắn hơn những người khác. Chúng ta chỉ có thể nói như vậy mà thôi, ngoài ra không nên phán đoán điều gì khác hơn. Ngày xưa, có một số người đến với Chúa Giê-su, thuật cho Ngài nghe về việc vua Phi-lát giết mấy người Ga-li-lê, rồi lấy huyết của họ trộn lẫn với của lễ, và việc tháp Si-lô-ê sụp đổ (có lẽ do động đất) đè chết 18 người. Họ cho rằng các nạn nhân xấu số nói trên, đều là những kẻ có tội trọng hơn những người khác, nên phải chịu chết thảm như vậy. Nhưng Chúa Giê-su đã khẳng định rằng: “Ta nói cùng các ngươi, không phải; nhưng nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ bị hư mất như vậy” (Lu-ca 13:3, 5).
Chúng ta nghĩ gì về lời phán của Chúa? Ngài muốn nhắc nhở những người đang sống điều quan trọng gì?
Có thể nói, con người ngày nay tiến bộ rất nhiều so với cha ông ngày xưa. Họ đã chinh phục không gian, đã đặt chân lên mặt trăng và đang thám hiểm các hành tinh xa xôi khác trong vũ trụ. Họ đã chinh phục các đỉnh núi cao trong dãy Hy-mã-lạp-sơn. Họ đã thăm dò được độ sâu của lòng biển. Họ đã khắc phục được một số bệnh hiểm nghèo. Họ đã rút ngắn khoảng cách liên lạc trên thế giới bằng hệ thống vệ tinh viễn thông và Internet. Nhưng có một lãnh vực mà họ không thể nào và không bao giờ có thể chinh phục được. Đó là sự chết. Sớm hay muộn, trước hay sau, ai ai cũng phải nếm trải sự chết. Sự chết là một định mệnh ràng buộc con người từ khi A-đam và Ê-va, tổ phụ loài người sa ngã, bất tuân lệnh Thượng-đế, ăn trái cấm. Sự chết được xem là hậu quả của tội lỗi. Trong thơ gởi cho người Rô-ma, sứ đồ Phao-lô đã viết như sau: “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12). Chúng ta lưu ý câu cuối cùng: “Vì mọi người đều phạm tội.” Có nghĩa là trước mặt Thượng-đế, mọi người không miễn trừ một ai đều là tội nhân, đều phải nhận lấy hậu quả là sự chết.
Cho nên, ngày xưa những người Ga-li-lê bị vua Phi-lát giết, hay những người ở Giê-ru-sa-lem bị tháp ngã đè chết, và ngày nay những nạn nhân trong các vụ khủng bố tự sát hay thiên tai sóng thần vừa qua. Số phận của họ đều như nhau, đều trải qua sự chết, dù chết bằng cách nầy hay cách khác. Nhưng có một điều khác biệt duy nhất, là trong khi họ còn sống, họ biết mình là một kẻ có tội, biết ăn năn quay về với Thượng-đế và tiếp nhận món quà cứu rỗi qua Đức Chúa Giê-su thì họ sẽ được bảo đảm tha tội và sự sống vĩnh cửu. Sứ đồ Phao-lô đã nói rõ điều nầy trong thơ viết cho người ở thành Cô-rinh-tô: “Vả, vì chưng bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết. Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại” (I Cô-rinh-tô 15:21-22). Sứ đồ Giăng đã thuật cho chúng ta một câu chuyện trong đoạn 11 như sau. La-xa-rơ là một người bạn thân của Chúa Giê-su. La-xa-rơ bị bạo bệnh và chết. Khi Chúa đến nhà, Ma-thê em gái La-xa-rơ tiếp đón Ngài và nói rằng: “Lạy Chúa, nếu Chúa có ở đây thì anh tôi không chết” (Giăng 11:21). Bà tin tưởng vào quyền năng cứu độ của Chúa, chính vì thế Ngài đã bày tỏ cho bà một điều quan trọng, mà Ngài chưa bao giờ nói cho ai biết cả. “Ta là sự sống lại và sự sống, kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin ta thì không hề chết. Ngươi tin điều đó chăng? Người thưa rằng: “Lạy Chúa, phải, tôi tin Chúa là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời, là Đấng phải đến thế gian” (Giăng 11:25-27). Kết quả, Chúa đã làm phép lạ khiến cho La-xa-rơ, người chết nằm trong mộ bốn ngày được sống lại. Đây không phải là trường hợp duy nhất, Kinh-thánh còn cho chúng ta biết thêm hai trường hợp khác nữa. Chúa khiến cho con gái của người cai nhà hội (Ma-thi-ơ 9:18-26) và con trai của người đàn bà góa ở thành Na-in từ kẻ chết sống lại (Lu-ca 7:11-17). Các trường hợp trên chứng tỏ quyền năng tối thượng của Chúa trên sự chết. Mỗi giây phút trôi qua trên thế giới đều có người chết. Chúa cho phép nó hiện hữu cho đến lúc Ngài trở lại trong vinh quang, để cứu vớt những kẻ chờ đợi Ngài. Cuối cùng sự chết sẽ bị hủy diệt “vì Ngài phải cầm quyền cho đến chừng đặt những kẻ thù nghịch dưới chân mình. Kẻ thù bị hủy diệt sau cùng, tức là sự chết” (I Cô-rinh-tô 15:25-26).
Trở lại lời phán của Chúa ở trên: “Nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ bị hư mất như vậy.” Chữ hư mất đồng nghĩa với sự chết. Chúa muốn nhắc nhở những người đang sống một điều hệ trọng, phải biết ăn năn. Ăn năn là gì?
– Ăn năn là nhìn nhận mình là một tội nhân trước mặt Chúa.
– Ăn năn là từ bỏ lối sống cũ chống nghịch Chúa.
– Ăn năn là quay lại làm hòa với Chúa.
– Ăn năn là tiếp nhận quyền năng cứu rỗi từ Chúa.
– Ăn năn là một điều cần thiết để tránh khỏi bị hủy diệt hư mất.
Đức Chúa Giê-su phán: “Ta nói cùng các ngươi, trên trời cũng như vậy, sẽ vui mừng cho một kẻ có tội ăn năn hơn là chín mươi chín kẻ công bình không cần phải ăn năn” (Lu-ca 15:7).
Mỗi biến cố xảy ra trong đời sống dù lớn hay nhỏ, đều ẩn chứa một lời nhắc nhở, đều mang một thông điệp kêu gọi chúng ta hãy ăn năn, xét mình, quay về với Chúa, để nhận được ơn tha thứ và cứu rỗi.
Nguyễn đăng Cao
0 227 5 minutes read