Joseph là một nha sĩ, 45 tuổi, có phòng mạch khang trang và bệnh nhân đông đảo. Công việc của ông hình như nhàn nhã và không căng thẳng chút nào. Ông tự do sắp xếp thời khóa biểu và muốn nghỉ việc lúc nào tùy ý.
Nhưng nhiều người không biết hoàn cảnh của ông. Ông cô đơn vì không có ai làm chung để tâm sự chuyện trò. Bệnh nhân thường thường sợ đến phòng mạch nha sĩ và ít ai tỏ lòng cám ơn nha sĩ đã trám răng đẹp. Chỉ có lúc nghe bệnh nhân kêu gọi là lúc họ than phiền. Còn về chi phí thì tiền mướn phòng mạch hơn 70% số lợi tức. Cho nên ông phải làm việc nhiều hơn lúc trước để đủ tiền trang trải. Ông cảm thấy chán nản và kiệt sức.
Ông uống rượu càng ngày càng nhiều. Vợ ông nói là nếu ông không bỏ rượu và khi bệnh nhân biết được thì công việc của ông sẽ sụp đổ. Vì thế nên gia đình ông mất hạnh phúc. Ông định ráng chịu đựng vài năm nữa, kiếm đủ tiền thì về hưu sớm.
Nhiều người ngày nay cũng giống như tình trạng Ông Joseph. Ðể giải quyết tình trạng nầy, chúng ta có thể thực hành vài điều sau đây:
Chấp Nhận Hoàn Cảnh
Lắm lúc chúng ta bất mãn hoàn cảnh nghèo khổ, người chủ làm khó dễ, hay là hôn nhân không hạnh phúc. Nhưng đôi khi chúng ta không thể thay đổi được hoàn cảnh. Có người cầu nguyện như thế nầy, “Chúa ơi, hãy cho con sự bình thản để chấp nhận những gì con không thể thay đổi, can đảm để thay đổi những gì có thể thay đổi, và sự khôn ngoan để hiểu biết sự khác biệt.” Chỉ có chấp nhận hoàn cảnh thì chúng ta mới có sự bình an.
Xưa khi Phao-lô gặp nghịch cảnh thì ông nói, “Tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng…” (Phi-líp 4:11). Sứ đồ Phao-lô tìm được sự thỏa mãn, không phải dựa vào hoàn cảnh mà vào Ðấng Christ. Ông đặt niềm tin vào Chúa hơn là hoàn cảnh hiện tại. Nếu bạn đặt Chúa trên hết thì bạn sẽ có sự bình an và thỏa mãn trong cuộc sống.
Biết Sự Giới Hạn
Con lạc đà thông minh biết sự giới hạn của nó. Nó có thể khiêng những vật nặng nề, nhưng nếu nặng hơn sức của nó, thì nó sẽ không đi. Người chủ có thể lén lút để gánh nặng lên con lạc đà đang đi thì nó ngừng và ngồi xuống cho đến khi người chủ hạ món vật ấy xuống. Khi chúng ta nhận thức được sự giới hạn của mình thì chúng ta không làm quá sức mình. Nhưng nếu chúng ta không biết sự giới hạn của mình thì người khác sẽ đặt sự giới hạn cho mình—như người xếp chẳng hạn.
Ðể tìm sự giới hạn của mình chúng ta không nên đo lường với người khác. Chúng ta đừng so sánh với những người làm việc thái quá để lập lịch trình làm việc. Ðôi lúc những trách nhiệm ở sở đòi hỏi mình làm hơn sức của mình. Chúng ta có thể xin người chủ cho thêm người để giúp việc hoặc thêm giờ để làm công việc đó.
Nhà văn John Ruskin nói rằng, “Một người làm việc thấy thích thú chỉ khi nào hội đủ ba điều thỏa mãn: công việc vừa ý mình, công việc không quá sức mình, và cảm nhận việc làm mình được thành công.” Hãy nhớ, không có công việc gì đáng để mình kiệt sức đến tinh thần và thể chất.
Mỗi khi tinh thần căng thẳng tôi nhớ đến lời Chúa phán, “Hãy trao gánh nặng ngươi cho Ðức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng đỡ ngươi; Ngài sẽ chẳng hề cho người công bình bị rúng động” (Thi thiên 55:22).
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh