Đây là tựa đề một bài viết trong mục “Tư Liệu Văn Học” của Hội Nhà văn Việt Nam trên website của hội tôi mới được xem. Nội dung bài viết nhằm hướng dẫn độc giả về nội dung và giá trị của Kinh Thánh được coi là “sách gối đầu giường của hơn một tỷ tín đồ và được cả thế giới xuất bản với số lượng nhiều nhất nhưng chưa từng thấy bán tại các hiệu sách ở ta”, đồng thời cũng thuyết phục các cơ quan chức năng đặc biệt là hệ thống phát hành của nhà nuớc nên “xuất bản phát hành Kinh Thánh như một tác phẩm văn hóa nghệ thuật nhằm khai thác kho tàng vô giá này của nhân loại.”
Quả thật như tác giả đã nhận định Kinh Thánh do cái tên của nó nhiều người tưởng chỉ là thuần túy mang tính chất tôn giáo, là kinh sách giáo lý cơ bản chỉ dùng cho tín đồ Cơ Đốc, còn ai không phải tín đồ “chớ đụng chạm tới vì đây thuộc lãnh vực nhạy cảm khi tôn giáo được quen gọi là thuốc phiện của nhân dân.” Từ cách nhìn lệch lạc này nên Kinh Thánh được ít người Việt Nam biết đến khi tầm quan trọng và nội dung của nó được đánh giá như ‘bộ bách khoa toàn thư rất hữu ích trong việc nghiên cứu nhân loại cổ đại về các mặt lịch sử, chính trị, quân sự, pháp luật, luân lý đạo đức, kinh tế, khoa học kỹ thuật, y học, văn hóa…’ chưa kể Kinh Thánh còn là một tác phẩm văn học đồ sộ, di sản quí báu của nhân loại trở thành nguồn cảm hứng, trích dẫn cho nhiều triết gia, nhà văn, nhà thơ lỗi lạc trên toàn thế giới thể hiện qua các tác phẩm kinh điển, các trước tác bất hủ bất kể duy tâm hay duy vật, phương Đông hay phương Tây trải qua nhiều thế đại.
Bằng sự nghiên cứu khách quan, với tấm lòng của người làm công tác văn hóa văn nghệ chân chính, chỉ cô đọng trong một tiểu phẩm vài ba trang nhưng tác giả Nguyễn Hải Hoành, một dịch giả rất quen thuộc đã giới thiệu và phân tích khá sâu sắc quá trình hình thành, lịch sử sáng tạo, nội dung phong phú của cả hai sách Cựu Ước và Tân Ước cùng nêu bật tính chất quan trọng của toàn bộ Kinh Thánh đối với quá trình tồn tại của lịch sử nhân loại nói chung. Hiển nhiên cuốn Sách không cổ võ hỗ trợ cho bất cứ hình thức đối kháng chính trị nào mà tinh túy của nó chỉ nhằm đưa loài người trở về với Đấng Tạo Hóa, sống chan hòa cùng nhau trong ý hướng Chân, Thiện, Mỹ.
Đỗ Xuân Thảo
Tái bút của người viết: Khi nhắc đến bản dịch tiếng Việt ta phải kể đến học giả Phan Khôi. Nhớ lại trong dịp kỷ niệm 121 năm ngày sinh của người dịch đầu tiên tác phẩm kinh điển Kinh Thánh từ Hán văn ra tiếng Việt, kẻ viết bài này đã vinh danh ông: “…Là kẻ hậu sinh, tôi biết Phan Khôi khi ông là dịch giả của bộ Kinh Thánh từ đó đưa tôi vào lẽ thật, mà trong đó hai sách Thi-thiên và Nhã-ca được coi là tinh túy của toàn tập. Chỉ với tài văn thơ của ông kết hợp với kiến thức vừa thâm chữ nho vừa giỏi tiếng Pháp mới làm thăng hoa ý thơ trong Cựu Ước mang lại cảm hứng vô lường cho hàng triệu sinh linh khi hạt giống Tin lành nở rộ trên đất Việt, mà khởi đầu là đất Quảng Nam với những cửa khẩu Hội An, Đà Nẵng là điểm tiếp thu các trào lưu văn hóa, tinh hoa thế giới, song hành với các giá trị văn hóa, tín ngưỡng phương Đông. Có người nói lúc ra Hà nội, chưa có việc làm nên ông tìm Kinh Thánh để dịch. Ông bảo ông dịch để ông học, không hiểu ông học dịch thuật hay học cái tinh túy của lẽ đạo, chỉ biết với lối dịch uyên bác và cách hành văn vừa trong sáng, bóng bảy, vừa mộc mạc bình dân mang âm sắc quê ông, thì dù có ai hậu sinh được xếp vào bậc thầy cũng không thể vượt qua. Kinh Thánh hồi đó được kể là một loại ‘tân thư’ mà nhờ hướng biển, người nho sĩ duy tân của xứ Quảng sớm có cơ hội tiếp thu và đem ra dịch để quảng bá cho nhiều người cùng đọc. Nhiều tín đồ ngoan đạo mang ơn ông về bản dịch tiếng Việt, nhờ nó mà họ được đọc, được học, được cảm nhận lời dạy của Đấng Cứu Thế bằng ngôn ngữ mẹ, đưa ý văn, ý thơ, ẩn dụ, phép màu đi thẳng vào lòng người, nên trong số họ nhiều độc giả kể cả tôi đã cầu xin Đấng Chí Tôn đưa ông vào nẻo thiên đàng dù ông là người ngoại đạo…”