Trong vòng 5 phút đón giao thừa năm 2000, ở nước Anh sẽ có khoảng 5,500 chiếc chuông đồng loạt ngân lên,
tạo ra bầu không khí rạo rực và đầy thiêng liêng hơn cả cái đêm Thủ tướng Winston Churchill long trọng tuyên
bố Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc vào hơn nửa thế kỷ trước. Việc đúc chuông mới và tân trang những
chiếc chuông cũ đã trở nên vô cùng tất bật ở xứ sở sương mù. Chính phủ đã thông qua một ngân sách 5 triệu
đôla từ quỹ xổ số quốc gia cho việc này. Phần lớn các “chiếc chuông năm 2000” đều ra lò ở xưởng đúc John
Taylor. Lò này nằm ở khu ngoại ô phía Bắc London, là một trong 2 cơ sở đúc chuông còn tồn tại ở Vương
quốc Anh. Viên quản lý Bob Bracegirdle ở Viện bảo tàng các lò đúc chuông Anh Quốc khoe: “Với số lượng
công nhân có 32 người, John Taylor là lò đúc lớn nhất thế giới!”.
Năm 1999 là năm lao động cật lực bất kể ngày đêm ở đây, để khoảng 120 cái chuông ra lò kịp thời hạn. Ngôi
nhà xưởng bằng gạch từ thời Nữ hoàng Victoria này, với các bộ khuôn bằng kim loại cổ xưa và những đống
đất sét màu vàng nâu hoàn toàn đối nghịch với khung cảnh phát triển cuối thế kỷ XX. Từ năm 1859, trong nhà
xưởng ngổn ngang này, các bộ chuông của John Taylor đã bắt đầu ra lò, có cả chiếc chuông ở Vương Cung
Thánh Đường Washington. Các lõi chuông được đổ khuôn bằng tay, và vật liệu vẫn là đất sét, phân ngựa, rơm
và gạch vụn. Các thợ đúc vẫn dùng nhánh cây dương liễu làm dụng cụ vớt hết bọt, rồi mới đổ hỗn hợp nóng
chảy vào khuôn mẫu. Tiếp đó, họ chôn toàn bộ khối khuôn vật liệu này xuống lòng đất, để bảo đảm cho mớ
“dung nham nóng sền sệt” ấy nguội và cứng dần. Viên quản đốc Alan Berry ở xưởng cho biết: “Cảnh bận rộn
của chúng tôi hiện nay chưa từng diễn ra bao giờ, và sẽ tiếp diễn mãi tới thời điểm đêm giao thừa năm 2000”.