Văn-Thơ-Truyện

Hoàng Tử Và Phản Thần (Phần 9)

(Tiếp theo Nguyệt San số 195, tháng 9/2012)

Mặt trời đã chìm ở phương tây nhưng không ai tỏ ý muốn về cả. Ai nấy đều muốn nghe mọi lời thầy Lắm nói ra.

– Quan điểm thứ hai của tôi là khi chúng ta thấy những bộ luật, chúng ta biết luật ấy là do chính phủ đặt ra. Như ở Sài Gòn, đường sá đều có lằn trắng, ở ngã tư có đèn đỏ đèn xanh để xe cộ khỏi đâm sầm vào nhau. Chúng ta biết rằng chánh phủ đã đặt ra những luật này để sự lưu thông được dễ dàng mà không có tai nạn.

Thầy Lắm chỉ lên các ngôi sao đang bắt đầu lấp lánh, nói tiếp:

– Trên trời cũng có lưu thông nữa. Có hằng triệu tinh tú trên trời nhưng chúng không bao giờ va chạm nhau. Các thiên thể vận chuyển trên con đường được định sẵn theo một chương trình rất đúng. Các nhà thiên văn coi giờ bằng ngôi sao. Chúng không bao giờ trễ dầu là một giây.

Các khoa học gia khám phá rằng có những luật lệ chế ngự trên thiên nhiên, từ một nguyên tử tí hon đến vì sao khổng lồ. Họ biết được độ nào nước sẽ sôi hoặc sẽ đông đặc lại, họ biết được tốc độ của những vật bị rớt xuống; Họ biết luật lệ từ khí và điện lực. Vì cớ thiên nhiên theo đúng những luật lệ này, các khoa học gia mới có thể dùng chúng để chế tạo máy thâu thanh, phi cơ, hỏa tiễn, vệ tinh và mọi vật diệu kỳ mà chúng ta có được ngày nay. Những luật lệ này há không bày tỏ rằng có một chánh phủ siêu phàm cai quản trên trời đất sao? Chúng không bày tỏ quyền năng và sự khôn ngoan của Thượng Đế sao?

Thầy Lắm ngừng một chút rồi lại tiếp tục:

– Khi chúng ta thấy cái máy chạy chúng, ta biết có người làm nên để dùng trong mục đích nào đó. Con người đã sáng chế ra một vài bộ máy vô cùng phức tạp. Nhưng tôi muốn các bạn nghĩ đến bộ máy diệu kỳ nhứt là: Cơ thể con người. Hầu hết chúng ta không biết bên trong thân thể ta có gì. Chúng ta chẳng khác gì người tài xế nói: Tôi không biết bên trong xe có gì. Điều tôi biết là khi mở chìa khóa rồi nhấn bàn đạp thì xe chạy.

Hãy nghĩ đến những bộ phận bên trong thân thể của các bạn chốc lát. Bộ óc các bạn chẳng hạn, là một kỳ quan về hệ thống dây điện. Nó biết những gì các bạn thấy, rờ, ngửi, nghe và nếm. Nó có thể suy nghĩ và ghi nhớ. Óc cùng với tủy xương sống điều khiển mọi cơ quan trong cơ thể và mọi cử động của các bạn. Nếu người ta phải làm một cái máy như vậy, họ cần phải có một tòa nhà đồ sộ với nhiều từng lầu để chứa mọi dây điện cần thiết, nhưng nó cũng không thể nào làm hết mọi công việc của bộ óc các bạn làm được.

(Đón xem tiếp kỳ sau)

Beatrice Short Neall

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button