(tiếp theo Nguyệt San số 234)
Sau khi thầy Lắm kể xong câu chuyện, có mấy người trở về nhà họ, nhưng các bạn trẻ như Thanh, Trung, Tèo và một số người khác thì ở lại. Cụ trưởng ấp cũng ở lại. Thanh vốn là đứa đa nghi nên liền hỏi thầy Lắm:
– Thưa thầy, câu chuyện ấy hay lắm, nhưng có chứng cớ nào chỉ rằng Đức Chúa Giê-su thật đã sống lại không?
– Có chứ em, chứng cớ lớn nhất để chỉ rằng Đức Chúa Giê-su đã sống lại là trong hai ngàn năm qua đã có hằng triệu người tin Ngài. Những người ấy được gọi là Cơ Đốc nhân (Christian), từ tên Ngài Giê-su Christ (Cơ Đốc). Trong hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có người tin theo Ngài.
Thanh chận lại:
– Vì cớ nhiều người tin theo điều gì, chưa hẳn điều ấy là đúng.
Thầy Lắm nói tiếp:
– Để tôi giải thích ý tôi. Nếu Đức Chúa Giê-su không sống lại thì không có hạng người gọi là Cơ Đốc nhân ở trên thế gian. Khi Ngài chết, các môn đồ của Ngài mất cả hy vọng rằng Ngài là Con Đức Chúa Trời. Họ nghĩ rằng Ngài đã chết mất rồi và sẽ chẳng bao giờ họ còn lại được gặp Ngài. Họ cũng chẳng thể nào thuyết phục nổi một người nào tin Ngài. Chính mình họ cũng không còn tin Ngài nữa. Chẳng qua họ là những người tuyệt vọng, một nhóm người bại trận không đáng kể.
Nhưng khi Chúa sống lại trong ngày thứ ba, họ đã nhìn thấy Ngài với chính mắt họ. Họ có thể rờ Ngài, nghe tiếng Ngài. Họ đều biến đổi cả. Họ đã chứng kiến một việc kỳ diệu là Đức Thầy của họ đã sống lại từ kẻ chết! Thật đúng Ngài là Con của Đức Chúa Trời, là Chúa của trời đất, là nguồn của sự sống và năng lực, và là Cứu Chúa của thế gian. Bấy giờ họ có một câu chuyện kỳ thú để kể cho các dân tộc nghe. Đó là câu chuyện Đức Chúa Trời từ trời đã xuống thế, sống giữa vòng nhân loại. Ngài đã chết vì tội lỗi của thế gian và đã sống lại, ra khỏi phần mộ mà chính họ đã trông thấy Ngài. Họ tin tưởng sứ mạng này một cách vô cùng mãnh liệt đến cam chịu. mọi cuộc bắt bớ và chết chóc hơn là bỏ điều ấy. Câu chuyện của họ rất có thần quyền. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, câu chuyện này truyền ra khắp thế giới và có vô số người trở nên Cơ Đốc nhân.
(Xin đọc tiếp kỳ sau)