Có một chuyện kể ông mục sư nọ khi giảng cho các thanh niên chưa tin Chúa trong một trại hè, ông nói, “Tất cả mọi vật chung quanh chúng ta không phải tự nhiên mà có. Một Thượng Đế vĩ đại đã làm việc đó. Trong vòng 6 tháng Ngài đã sáng tạo nên trời đất và muôn vật!” Nghe vậy, một phụ tá nói nhỏ vào tai ông, “Thưa Mục sư, chỉ có 6 ngày thôi ạ!” Mục sư điềm nhiên trả lời, “Tôi cũng biết vậy, nhưng nói sáu ngày – dù là sự thật – họ không tin, nên tôi tăng lên sáu tháng cho có vẻ . . . dễ tin hơn.” (trích ‘Chắp Cánh Bay Cao’, tr. 92). Tất nhiên câu chuyện chỉ là vui nhằm minh họa cho cái tật di căn của con người vốn dĩ hay đa nghi, dù là sự thật vẫn . . . cứ nghi.
Từ ngàn xưa con người vốn hay để lòng nghi ngờ; nếu ta đọc chuyện Ê-va ăn trái cấm trong Sáng thế Ký chỉ vì hoài nghi lời khuyên của Chúa mà hậu quả di hại cho đến ngàn đời con cháu mai sau. Ngày nay cũng vậy, nghi ngờ hay chưa tin một điều gì trở thành một thói quen, một thái độ, một cảm xúc mà mỗi người chúng ta tùy lúc, tùy sự việc nhiều khi cũng mắc phải tâm trạng này. Chưa kể trong cuộc sống phức tạp thường ngày, khi phải đối diện với những cái giả mà cứ như thật, cái thật lại bị coi là giả thì cảm giác ngờ vực luôn đeo đuổi ta, nên ‘hoài nghi’ cứ hiểu theo nghĩa nôm na ‘nghi hoài’ là vậy.
Sự hoài nghi có khi rơi vào những chuyện vặt đời thường, trong quan hệ giữa người với người, nhưng xa hơn có thể lại liên hệ đến một tín giáo, một điều răn, một lời thề, một ân điển, một phép lạ, một hy vọng cho đời sau . . . Cảm giác ngờ vực cũng thể hiểu là trạng thái chưa tin vì còn chờ một sự giải thích tường tận, một chứng cứ hiển nhiên, một việc làm cụ thể. Ngay những người được kể là thánh như sứ đồ Thô-ma vẫn chỉ tin là Chúa sống lại khi chính ông phải sờ được vết đinh đâm vào bàn tay, bàn chân của Chúa khi Ngài hiện ra trước các môn đồ! Vậy thì tin là chuyện khó, nghi ngờ là chuyện thường tình, một cảm xúc mỗi người đều có dịp trải nghiệm, nhất là khi gặp thử thách cám dỗ, hoàn cảnh đưa đẩy, thời thế đổi thay, chạy theo dư luận.
Quay sang lãnh vực tâm linh có người hỏi, đức tin là một cảm xúc thuộc linh, một thái độ xác tín nghiêm túc, nhưng nếu cứ hay nghi ngờ, hoặc nửa tin nửa ngờ thì có được coi là tự nhiên, là bình thường nữa không? Thật sự tin hay chưa tin hoặc không tin đều là cảm xúc tự nhiên của con người, nhưng một khi đã tin rồi thì phải kiên định, không còn ngả nghiêng, phân tâm dao động. Chẳng thế mà trong sách Tân Ước, sứ đồ Gia-cơ có khuyên những người theo Chúa, đã tin lời Chúa rồi thì chớ nghi ngờ, “vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó. Người như thế chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa” (Gia-cơ 1:6, 7). Cho nên khi đề cập đến đức tin, người ta hay nhắc tới một định nghĩa vừa cụ thể vừa súc tích của sứ đồ Phao-lô khi ông minh họa từ vựng này trong sách Hê-bơ-rơ, “Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy” (Hê-bơ-rơ 11:1).
Cứ diễn nghĩa từ lời dạy dỗ này mà nhiều gương đức tin của các tổ phụ lấy trong Cựu Ước đã là nguồn khích lệ tâm linh cho biết bao độc giả Kinh Thánh thời nay. Bởi đức tin, Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi đi đến xứ ‘người đi mà không biết mình đi đâu’; Nô-ê được mách bảo ‘cho những việc chưa thấy’ mà vẫn làm; Môi-se rời bỏ cung điện xứ Ê-díp-tô để cùng dân sự đi vào đồng vắng, để rồi phần thưởng của họ là quê hương ở trên trời, một thành mà Ngài đã sắm sẵn, dù phải ‘chết trong đức tin khi chưa nhận lãnh những điều được hứa.’
Chính vậy, vì biết được sự yếu đuối của con người, kể cả những môn đồ đã kề cận Chúa, nên sau lần hiện ra để chìa bàn tay cho chính Thô-ma sờ vào chỗ dấu đinh, Chúa Giê-su đã phán, “Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!” (Giăng 20:29).
Đỗ xuân Thảo
(nhân đọc Hê-bơ-rơ)
0 345 3 minutes read