Có một người đàn bà đã làm rất lâu năm trong ngân hàng lớn nhất nước Hoa Kỳ là Washingtion Mutual. Vì nghĩ đến tương lai khi về hưu nên bà đầu tư rất nhiều tiền vào ngân hàng này. Không ngờ những tháng gần đây cổ phần của Washington Mutual xuống giá trầm trọng, đến nỗi họ buộc phải bán cho hãng JPMorgan Chase.
Đó là tình trạng kinh tế của nước Hoa Kỳ ngày nay. Người dân đã kêu cầu chính phủ phải có biện pháp tích cực nhằm khắc phục nền kinh tế đang bị khủng hoảng. Để giải cứu tình trạng trên, họ phải quyết định dự luật hỗ trợ tài chánh với trị giá $700 tỉ. Sự sợ hãi nầy làm cho một số người nhớ lại Sự Phiền Muộn Lớn Nhất ở Hoa Kỳ (The Great Depression) vào năm 1929. Người ta đã phải sống lang thang trên đường phố, đã xắp hàng chờ lãnh phần ăn ở những nơi cung cấp thực phẩm, và ngủ nơi công cộng. Hậu quả không thể kể xiết: có thể trộm cắp sẽ gia tăng vì thiếu thốn, có thể gia đình đổ vỡ vì cãi cọ, tệ hơn nữa là họ muốn kết liễu cuộc đời.
Làm thế nào để chúng ta có cái nhìn lạc quan trong lúc nầy? Hãy nhớ những ngày chúng ta chỉ có hai bàn tay trắng để lập nên sự nghiệp, để dựng mái ấm gia đình, như người đời có câu, “Còn nước còn tát.”
Đừng nhìn những gì mình mất mà nhìn những gì mình còn. Kinh Thánh nói về cuộc đời bi thảm của Ông Gióp – một nhà nông nghiệp giàu có. Ông có một gia đình hạnh phúc, với 7 trai, 3 gái và một gia tài không ai sánh bằng. Nhưng bất chợt vào một ngày, thiên tai ập đến gia đình ông, đã cướp đi mọi thứ của cải lẫn con cái và để lại trong ông một chứng bệnh đau đớn. Trong lúc đau buồn nhất ông vẫn can đảm thốt lên, “Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va” (Gióp 1:21). Nếu trong trường hợp đó chúng ta sẽ phản ứng như thế nào? Ông Gióp không bao giờ đánh mất niềm hy vọng vì ông luôn biết rằng Chúa luôn ở bên ông, và với đôi tay, Chúa sẽ giúp ông gầy dựng lại những gì đã mất.
Đừng lo lắng cho ngày mai, nhưng hãy sống cho ngày nay. Kinh Thánh có dạy, “Chớ lo lắng chi về ngày mai; vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai. Sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy” (Ma-thi-ơ 6:34). Điều này không có nghĩa là chúng ta buông xuôi tất cả mà phải có hoạch định trong những lúc khó khăn nhất. Sách Châm ngôn có ghi, “Con kiến dầu là loại yếu hèn, lo sắm sẵn vật thực mình trong mùa hạ” (Châm ngôn 30:25). Không lo nhưng chúng ta phải có kế hoạch cho tương lai, giống như con kiến dự trữ thức ăn cho mùa đông.
Đừng chú ý những gì tạm bợ mà những gì vĩnh cửu. Ca dao có câu, “Người đời như bóng phù du, sớm còn tối mất, công phu lỡ làng.” Tất cả là phù du. Những gì thuộc thế gian đều là tạm bợ, vì Kinh Thánh có chép, “Trời đất sẽ qua” đi (Ma-thi-ơ 24:35), nhưng Chúa có hứa rằng Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta một chỗ ở trên trời, đó mới là điều vĩnh cửu (Giăng 14:2, 3).
Như vậy, trước những biến động chúng ta hãy nhớ đến sự dạy dỗ trong Kinh Thánh là trao hết mọi lo lắng cho chúa để Ngài dẫn dắt.
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh
0 480 3 minutes read