Sau cuộc hành trình dưới lòng biển, một chiếc tàu ngầm trở lại lên mặt biển để nhận thêm những bình dưỡng khí. Có rất nhiều người trong cuộc hành trình đó. Nhưng khi lên thì không may đâm vào chiếc tàu lớn gần bờ biển Massachusetts. Tai nạn kinh khủng đó đã làm cho chiếc tàu ngầm chìm sâu xuống đáy biển; những thủy thủ chỉ chờ đợi chết khi thiếu dưỡng khí. Nhiều chiếc tàu cứu cấp đến nơi ấy để giúp đỡ nhưng không kết quả. Sau một thời gian, có một người lặn xuống chiếc tàu ngầm thì nghe tiếng gõ. Anh đặt tai sát bên cạnh chiếc tàu thì nghe được tiếng gõ bằng moóc mã (Morse code). Tiếng gõ đó nhẹ nhàng và chậm rãi, “Còn . . . có niềm hy vọng không?”
Con người ngày nay vẫn còn vang lên tiếng than thở đó, “Còn có hy vọng không?” Còn hy vọng không khi mất việc làm, còn hy vọng không khi gia đình tan vỡ, còn hy vọng không khi mắc bệnh ung thư. Chúa nhắc nhở khi con người tuyệt vọng rằng, “Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi” (Giăng 16:33). Chúng ta còn hy vọng nơi Chúa, đừng đánh mất niềm hy vọng đó.
Có những trường hợp con người tự đánh mất niềm hy vọng đó. Tiêu cực là một trong những điều mà con người mất tự tin. Họ cho rằng đó là nghiệp của họ phải gánh hay đó là định mệnh. Họ phải sống trong những ngày tháng u buồn. Họ không còn nuôi niềm hy vọng nào nữa. Bạn có bao giờ ở trong hoàn cảnh đó không?
Một trường hợp nữa là con người nản chí khi chờ đợi để đạt đến mục đích, nhưng mà không thấy thành tựu. Họ cầu nguyện cho con cái tỉnh ngộ, nhưng nhiều năm qua mà không thấy thay đổi. Họ cố gắng tìm mọi cách để khuyên chồng mình bỏ rượu chè, nhưng đêm nào cũng thấy chồng mình về nhà say sưa. Có bao giờ bạn chờ đợi mà thối chí không?
Một trường hợp khác là thử thách; đường đời nhiều lúc gay go làm cho con người bỏ cuộc. Dường như thử thách thoạt đến trăm bề như bị mất việc, sức khỏe yếu kém, làm ăn thua lỗ. Tục ngữ có câu: Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Ý nói may mắn không bao giờ đi đủ cặp, tai họa chẳng chịu đến lẻ loi.
Đó là vài trường hợp làm cho nhiều người mất đi mục đích của cuộc sống. Sau đây là những trường hợp giúp đỡ chúng ta giữ niềm hy vọng:
Thứ nhất, thay vì sống bi quan, ta sống lạc quan. Có người nhìn đời bằng cặp mắt bi quan và buồn chán hơn là thỏa mãn trước sự việc xảy ra. Có những lúc ta phải quên đi sự thất bại trong quá khứ mà hướng về sự thành công trong tương lai. Phao-lô sống một cách lạc quan, “Tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước” (Phi-líp 3:14).
Thứ hai, thay vì chú trọng vào bản thân, ta tập trung đến Chúa. Có những lúc chúng ta chỉ chú trọng vào bản thân, chúng ta thấy bất mãn vì chính mình không làm được. Muốn bỏ những thói xấu nhưng không thành, muốn đạt được nhiều mục đích nhưng kiệt lực. Kinh Thánh nói rằng có nhiều điều “loài người không thể làm được, nhưng . . . Đức Chúa Trời làm mọi sự được cả” (Mác 10:27). Nếu tập trung đến Chúa và cầu xin Chúa cho chúng ta quyền lực thì chúng ta sẽ thành công. Càng đặt Chúa cao cả bao nhiêu, thì vấn đề càng nhỏ bấy nhiêu.
Thứ ba, thay vì lệ thuộc vào hoàn cảnh, ta chú trọng đến những gì vĩnh cửu. Đừng để hoàn cảnh điều khiển cuộc sống, nhưng để cuộc sống điều khiển hoàn cảnh. Những vấn đề đến trong cuộc sống trước sau cũng sẽ qua đi. Đời sống tâm linh không quan trọng hơn đời sống vật chất sao? Thiên đàng không phải cao cả hơn thế gian sao? Giăng đã nhìn thấy trong tương lai thế gian này sẽ chấm dứt và thiên đàng sẽ đến (Khải huyền 21:1). Hãy dành nhiều thời giờ cho những gì lâu dài hơn là tạm bợ.
Đừng đánh mất niềm hy vọng! Nếu chúng ta còn hơi thở thì chúng ta còn hy vọng. Hãy sống lạc quan, sống có Chúa, sống cho những gì vĩnh cửu. Ngài hứa, “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” (Hê-bê-rơ 13:5).
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh
0 321 3 minutes read