Trong Kinh Thánh, có một nhân vật lịch sử, vua Đa-vít. Người Do Thái yêu quí vua Đa-vít vô cùng vì người là một anh quân. Ngày nay lá cờ người Do Thái còn giữ là lá cờ đã có từ thời vua Đa-vít, lá cờ có hình ngôi sao sáu cánh mà người Do Thái quen gọi là Ngôi Sao Đa-vít.
Vua Đa-vít là một anh hùng. Ông là người trọn đời giữ lòng trung tín với Đức Chúa Trời. Dầu cá nhân ông cũng có khi lầm lỗi, nhưng ông luôn biết ăn năn, xưng tội mình. Một tội Đa-vít không bao giờ vấp phạm, ấy là ông trọn đời kính sợ Chúa, không hề quay qua bên hữu hay quay qua bên tả. Vua Đa-vít là biểu hiệu cho sự can đảm, lòng trung tín, và một con người anh hùng nhưng đầy lòng nhân hậu và biết kính sợ Đức Chúa Trời. Vì thế Đức Chúa Trời yêu mến Đa-vít vô cùng.
Trong Kinh Thánh, I Các Vua 9:4, 5 ghi lại những lời Đức Chúa Trời đã hiện ra cùng vua Sa-lô-môn, “Đức Giê-hô-va phán với Sa-lô-môn rằng, “Còn ngươi, nếu ngươi cứ đi trước mặt ta, như Đa-vít cha ngươi đã đi, lấy lòng trọn lành và ngay thẳng mà làm theo các điều ta đã phán dặn ngươi, giữ những luật lệ và mạng lịnh của ta, bấy giờ ta sẽ làm cho ngôi nước ngươi kiên cố đến đời đời, y như ta đã hứa cùng Đa-vít, cha ngươi mà rằng: Ngươi sẽ chẳng thiếu kẻ hậu tự ngươi ngồi trên ngôi Y-sơ-ra-ên.”
Ở đây chúng ta thấy vua Đa-vít không để lại một chiếc rương trống rỗng cho con cháu mình.
Đức Chúa Trời chẳng quên những điều tốt mà chúng ta cố gắng làm vì lòng chúng ta yêu mến Ngài bao giờ. Trong Thi-thiên 112, Kinh Thánh đã nói: “Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va, rất ưa thích điều răn Ngài! Con cháu người sẽ cường thạnh trên đất; . . . Dòng dõi người ngay thẳng sẽ được phước.”
Câu hỏi chung cho các vị làm cha làm mẹ là, Hởi các bậc cha ông, chúng ta để lại gì cho hậu thế? Kỷ niệm nào và cơ nghiệp nào chúng ta để lại cho con cái chúng ta? Hay nói theo cách nói của người Việt, chúng ta làm gì để để phước lại cho con cháu?
Kinh Thánh, khi nhắc đến một quân vương hay là một bạo chúa, người viết sử lúc nào cũng ghi lại ai là mẹ và bà của vì vua ấy. Ngày xưa các vua chúa có nhiều vợ, và họ bận bịu việc nước nên các công chúa hoàng tử là do công người mẹ sinh họ ra nuôi dạy. Việc dưỡng dục là do nơi người mẹ. Người mẹ hiền công chính đào tạo nên những quân vương; người đàn bà tàn nhẫn tham lam đào tạo nên các bạo chúa.
Là bậc phụ huynh, đời sống chúng ta có ảnh hưởng đến con cái chúng ta rất nhiều.
Khi sứ đồ Phao-lô chọn người đồ đệ để theo mình tiếp nối chức vụ, ông đã chọn Ti-mô-thê. Trong bức thư gởi cho Ti-mô-thê, Phao-lô đã viết, 2 Ti-mô-thê 1:5 “Ta cũng nhớ đến đức tin thành thật của con là đức tin trước đã ở trong Lô-ít, bà nội con, và trong Ơ-nít, mẹ con, ta chắc rằng ngày nay cũng ở trong con nữa.” Cha mẹ và ông bà của Ti-mô-thê đã để phước lại cho con cho cháu mình bằng đức tin của họ. Đó là gương cho các bậc làm cha mẹ. Chúng ta phải nhất quyết sống một đời sống nhân hậu, một cuộc đời tín trung, một nếp sống biết kính sợ Chúa, để con cái chúng ta có thể được như Ti-mô-thê, hay như vua Sa-lô-môn ngày xưa, ngẩng mặt kêu cầu cùng Đức Chúa Trời rằng, Chúa ơi xin hãy nghĩ đến tình Ngài đã có với cha mẹ con, là những người đã trung tín với Chúa mà thương xót chúng con.
Chúng ta để phước lại cho con cái hay hậu tự của mình bằng cách nào? Không ai muốn để lại cho con cháu mình một chiếc rương kho tàng mở ra chỉ thây trống trơn và chứa đầy gỗ mục, mở ra chỉ thấy dán chuột chạy ra! Ngày nào chúng ta còn trung tín với Chúa, sống cách đẹp lòng Chúa là chúng ta đang đầu tư vào chiếc rương đựng gia tài phước hạnh cho con cháu chúng ta rồi.
Khi chúng ta đi nhà thờ để nhóm họp thờ phượng Chúa; khi chúng ta trung tín trong việc hoàn trả phần mười lại cho Chúa; chúng ta đang để dành phước lộc lại cho hậu tự của mình.
Đức Chúa Trời đã đãi chúng ta cách nhân từ; nếu chúng ta đối đãi với người đồng loại mình, với người chung quanh mình, với gia đình mình, với anh chị em trong hội thánh mình, cũng bằng sự nhân từ. Đó là chúng ta đã để dành phước lại cho con cháu.
Cha mẹ tôi là những người truyền đạo, họ sống một nếp sống đơn sơ. Làm người hầu việc Chúa nên ông bà chăng có tiền của gì để lại cho con cháu. Nhưng phần sản nghiệp quí giá mà cha mẹ chúng tôi để lại cho tám người con của ông bà, ấy là lòng trung tín và biết kính sợ Chúa. Ngày nay tất cả mấy anh chị em chúng tôi có biết Chúa, có giữ đạo và có tiếp tục hầu việc Chúa, ấy cũng là nhờ phước cha mẹ để lại.
Gia tài chúng ta để lại cho hậu thế không cần là những trương mục ngân hàng kết sù, hay vài ba căn biệt thự; nhưng hãy để lại cho kẻ thừa kế của chúng ta một lòng tin kính Chúa và một rương đựng đầy phước hạnh. Bổn phận của chúng ta là các bậc làm cha làm mẹ là chúng ta phải chứa đầy những rương ấy những điều như lòng nhân hậu, trung chính, thành thật, tha thứ, kiên nhẫn, khiêm nhường.
Chúng ta không muốn để lại một gia tài ân phước đã khánh tận hoặc phá sản cho con cháu chúng ta. Chúng ta không muốn đầu tư vào những của cải vật chất dễ hư nát hay danh tiếng dễ lu mờ. Chúng ta muốn chất đầy sự nhân từ và phước hạnh trong chiếc rương gia tài mình để lại cho hậu thế.
Mỗi một lời nói có ân hậu chúng ta nói, chúng ta đã bỏ vào chiếc rương ấy một đồng tiền phước hạnh.
Mỗi thái độ khiêm nhường của chúng ta, chúng ta đã bỏ vào chiếc rương ấy một đồng tiền phước hạnh.
Lòng tha thứ cho những người đã không tử tế hay những kẻ đã hại mình, chúng ta đã bỏ thêm một đồng tiền phước hạnh.
Khi chúng ta làm một điều thiện, làm một điều công chính, hay tránh một sự cám dỗ của lòng tham lam, nhục dục; tránh được những lời cộc cằn, tục tĩu, chê bai dè bĩu, là mỗi lần chúng ta lại bỏ một đồng tiền phước hạnh vào chiếc rương gia tài chúng ta để lại cho hậu thế.
Làm cha hay làm mẹ, cách chúng ta sống bày tỏ lòng trung thành và sự kính sợ của chúng ta đối với Chúa. Trong cuộc sống nơi trần thế này, Đức Chúa Trời giao phó trách nhiệm làm cha mẹ tức là chúng ta đang làm gương cho con cái mình noi theo. Con cái chúng ta hãnh diện hay xấu hổ về cha mẹ chúng là do nơi hành động và cách sống của chúng ta mỗi ngày. Khi cha mẹ kính sợ Chúa, con cái chúng ta cũng sẽ kính sợ Chúa. Khi chúng ta đối đãi với gia đình vợ con bằng tình thương, chúng nó học được tình thương, sự hòa thuận trong gia đình. Khi người chồng tôn trọng vợ mình, con cái học biết tôn trọng mẹ của chúng. Khi người vợ kính nể chồng mình, con cái học biết phải kính nể cha chúng. Khi cha mẹ có lòng nhân từ với những người thua kém hơn mình, con cái học được lòng cảm thông và thương người. Khi cha mẹ ngay thẳng, con cái học được hành động ngay thẳng. Khi cha mẹ nói năng hòa nhã, không cộc cằn hay gây gỗ, con cái học được cách ăn nói nhã nhặn, lễ độ. Khi cha mẹ sống theo nhân, nghĩa, tín, trung, con cái học biết thế nào là sông đúng đạo làm người . . .
Mỗi hành vi cử chỉ của chúng ta, sự suy nghĩ của chúng ta chứng tỏ chúng ta có để phước lại cho con cháu mình hay không.
Trở lại với vua Sa-lô-môn. Vua là người đã được Đức Chúa Trời ban phước cho mọi bề, từ sự giàu sang cho đến sự khôn ngoan tuyệt cùng. Nhưng thật đáng tiếc, Kinh Thánh ghi lại, vua đã phạm tội cùng Đức Chúa Trời. Vua đã phạm tội như thế nào? Để mở mang bờ cõi và củng cố giang sơn, vua dùng một đòn chính trị, mà vua nghĩ là rất khôn ngoan, vua làm thân với các nước lân bang. Vua tìm vợ trong hàng các công chúa của các nước láng giềng. Nhưng khổ cho vua, những bà vợ này là con cái của các vua ngoại đạo. Đức Chúa Trời đã cấm ngặt điều đó. Vua Sa-lô-môn chìu các bà vợ, đã cho xây mỗi bà một cái đình, một cái chùa, một cái đền để cho các bà đến thờ lạy thần tượng của họ. Và vua còn theo những bà này đốt hương đèn nhang khói để khấn vái cúng kiến các thần của họ. Vua mà làm điều ấy thì làm sao mà dạy dân chúng phải thờ lạy Đức Chúa Trời được? Đức Chúa Trời giận vô cùng. Vua đã phạm tội thờ lạy các thần khác, và còn làm gương xấu cho dân chúng phạm tội cùng Chúa.
Kinh Thánh trong sách 1 Các Vua 11:9 ghi lại, “Đức Giê-hô-va nổi giận cùng Sa-lô-môn, bởi vì lòng người trở bỏ Đức Chúa Trời . . . Ngài phán cùng Sa-lô-môn rằng, Bởi vì ngươi đã không giữ giao ước và luật pháp ta truyền cho ngươi, ngươi đáng bị ta đoạt lấy nước khỏi ngươi. Song vì cớ Đa-vít, cha ngươi, ta sẽ chẳng làm điều đó trong đời ngươi. Ta sẽ lấy nước khỏi tay con trai ngươi. Lại ta cũng chẳng nỡ đoạt hết cả nước khỏi nó, vì cớ Đa vít, đầy tớ ta, ta sẽ để lại cho nó một chi phái.”
Song vì cớ Đa-vít. Vì cớ Đa-vít, đầy tớ ta. Một lần nữa chúng ta thấy con cháu hưởng phước cha ông để lại là rõ ràng làm sao. Vua Sa-lô-môn, tội bất trung cùng Đức Chúa Trời là vậy, mà Ngài vì tình đối với cha của Sa-lô-môn là vua Đa-vít, là một người nhân hậu là người trung tín với Chúa mà Ngài đã tha cho Sa-lô-môn không bị mất nước trong đời ông! Nhưng đáng thương cho con cái của Sa-lô-môn, vì ông không trung tín với Đức Chúa Trời mà họ bị mất phước.
Ngày nay, những ai trong phận làm con, được biết đạo Chúa, được giữ lòng tin nơi Chúa, chắc chắn ấy phải nhờ phước ông bà để lại. Ông bà chúng ta nhất quyết đã ăn hiền ở lành nên ngày nay chúng ta có phước được biết Chúa. Chúng ta hãy tiếp tục sống cách nào để con cháu chúng ta cũng nói, đời sống tôi được gặp những may mắn và ơn phuớc, ấy là nhờ phước ông bà cha mẹ để lại. Và mỗi lần chúng có lỡ lầm lỗi, Đức Chúa Trời cũng sẽ rũ lòng thương chúng vì cớ chúng ta, cha mẹ chúng, đã để phước lại cho chúng.
Nguyễn Thị Ngọc Liên
0 265 8 minutes read