Kỳ 4: Vấp Phạm Lúc Hoạn Nạn Và Gian Truân
Cuộc đời chúng ta đều là người theo Chúa hay không tin Chúa, cũng có lúc gặp phải những điều khó khăn đến trong đời. Đó là lúc đức tin người ta bị cám dỗ hơn cả. Những khó khăn có thể là bệnh hoạn, có thể là đời sống gia đình có những điều không vui, có thể là con cái mang đến những ưu phiền, hay có thể là khó khăn nơi sở làm hay tìm việc làm, hay có những điều làm mình chán nản, sầu đau, hay niềm ưu tư về tương lai, hay lúc chúng ta cần phải có những quyết định quan trọng cho đời mình, hoặc những giờ phút tang thương mất người thân yêu . . . Đó có thể là những lúc chúng ta không biết Chúa có còn ở cùng với mình hay không. Đó là những lúc chúng ta nghi ngờ không biết Chúa có còn ở với chúng ta, có còn nghe lời cầu xin của chúng ta không.
Trong đêm Đức Chúa Giê-su bị bắt, có thể là những giờ phút bàng hoàng lo âu nhất cho các môn đệ của Ngài. Họ đã làm gì? Giu-đa, một kẻ đã phản Chúa và bán thầy mình để Ngài bị bắt. Phi-e-rơ, một môn đệ thân cận của Chúa, cũng là một con người nóng nảy và sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho Chúa. Khi nhìn thấy Chúa bị bất, chính Phi-e-rơ đã rút gươm mình ra xông vào tên lính La Mã đặng tấn công. Ông dùng gươm chặt đứt lỗ tai của người lính. Chính Phi-e-rơ, trước khi Đức Chúa Giê-su bị bắt đã thể sống thể chết rằng ông sẽ không bao giờ bỏ Chúa. Khi thấy Chúa đã bị bắt rồi, ông không chạy trốn, nhưng vẫn đi theo đằng xa để dòm chừng xem người ta làm gì với thầy mình. Nhưng khi Phi-e-rơ lãng vãng như vậy, có kẻ chỉ mặt ông và nói, “Người nầy cũng là đồ đệ của Giê-su nè!” Phi-e-rơ quýnh quáng chối liến, rằng ông không biết là ai, và cho kẻ kia là kẻ nói tào lao. Phi-e-rơ chối mình không biết Chúa đến 3 lần như vậy.
Còn phần những môn đệ khác của Chúa khi thấy thầy mình bị bắt thì sao? Họ chạy tản lạc hết, tìm cách lánh xa để không bị liên hệ Giăng thì cũng lãng vãng đi theo giữa đám đông nhìn theo Chúa bị bắt và bị tử hình. Ông trùm khăn để không ai nhận diện mình.
Chúng ta sẽ làm gì khi đời sống tín giáo của chúng ta phải đối diện đến những điều khó khăn khủng khiếp nhất? Chúng ta không muốn vấp phạm giống như những môn đệ của Chúa ngày xưa. Chúng ta muốn mình phải có một đức tin vững vàng để sẵn sàng đối đầu và vượt qua cơn sóng gió.
Nhiều người trong chúng ta đã có dịp đi du lịch. Hãy tưởng tượng, khi quí vị cách xa mọi môi trường và hoàn cảnh thuận tiện nhất của mình. Quí vị đi đến một thành phố hay một quốc gia không quen thuộc. Nếu mình không quen biết ai ở đó, và nếu mình cũng không nói cùng ngôn ngữ với họ. Chúng ta có sẵn sàng nếu trường hợp thẻ thông hành hay ví tiền của chúng ta bị mất cắp không? Chúng ta có biết Tòa Đại Sứ Mỹ ở đâu để mà gọi không? Chúng ta có đủ tiền, đủ ngôn ngữ để mà nói chuyện với cơ quan an ninh địa phương, hay để gọi điện thoại về cho người thân ở Mỹ không? Các môn đệ Chúa, mặc Ngài đã dặn trước cho họ về những ngày khó khăn này, họ cũng chẳng sẵn sàng. Và để ngày gian nan đến họ chạy tán loạn như chiên không người chăn.
Đức Chúa Giê-su đã nhắc nhở họ rằng, hãy tỉnh thức, hãy cầu nguyện không thôi. Các môn đệ Chúa trong buổi tiệc cuối cùng với Chúa trước khi Ngài bị bắt còn thúc nhau giành chỗ xem ai sẽ được chức cao nhất và ngồi nơi đầu bàn; Và khi Chúa mang họ theo để cầu nguyện với Ngài thì họ ngủ quên không mở mắt nổi. Đức Chúa Giê-su đã nói với họ rằng, “Các ngươi không tỉnh thức được với ta trong một giờ sao? Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ; Tâm thần thì muốn lắm mà xác thịt thì yếu đuối” (Ma-thi-ơ 26:40, 41). Để chống đỡ với những điều gian nan đến với đời mình, chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện.
“Ngài tuôn huyết cứu linh hồn tôi”
Cảm tạ ơn Chúa là trong những câu chuyện về các môn đệ của Chúa mà chúng ta nhắc đến trên đây. Tuy họ đã vấp ngã, nhưng họ đã đứng lên được. Và họ còn đứng vững hơn xưa. Mỗi một môn đồ của Chúa đã trở thành những người lãnh đạo hội thánh của Chúa lúc ban đầu trong sự can đảm và trong lòng trung tín. Họ đã sẵn sàng chấp nhận sự bắt bớ tù đày chứ không đê hèn chối bỏ mình là môn đồ Chúa. Phi-e-rơ đã thành một sứ đồ cứng rắn hướng dẫn hội thánh Chúa qua những chặng đường gian nan. Phi-e-rơ, người môn đệ ngày xưa không dám đứng thẳng người xưng nhận mình biết Chúa đã sẵn sàng đi lên đài tử hình vì xác tín trong đức tin mình.
Phi-e-rơ, Giăng, và các đồ đệ của Đức Chúa Giê-su đã làm được những điều ấy và đứng vững trong đức tin vì họ tin rằng Đức Chúa Giê- su đích thực là Con Đức Chúa Trời. Họ đã tin rằng chính Đức Chúa Giê-su đã đổ huyết để chuộc tội cho chính họ. Và họ đã nhìn thấy Ngài sống lại. Họ đã nhìn thấy Ngài thăng thiên, muôn vàn thiên sứ đến đón Ngài về trời.
Ông Peter Marshall, cựu tuyên úy của Thượng Viện Hoa Kỳ, cũng là một giảng sư, ông nổi tiếng với những lời cầu nguyện ân cần. Một lần ông đã cầu nguyện thế nầy, “Khi chúng con mơ ước về một cuộc đời êm ả không phong ba, Cha ơi xin hãy nhắc chúng con biết rằng, những cây sồi gỗ chắc là những cây đã trải qua nhiều mưa gió; Và kim cương là ngọc quí là vì đá ấy đã cam chịu sức ép mạnh hơn bất cứ loại đá nào. Cầu xin Chúa ban ơn, mang phước lành đến cho mỗi người. Cầu xin Chúa ở cùng và che chở mỗi người, và ban bình an cho mỗi người luôn. Tôi cầu xin Chúa ban cho chúng ta có một đời sống nguyện cầu không thôi, cho đức tin chúng ta đặt nơi Chúa mỗi ngày mỗi tăng trưởng, và đời sống tín giáo của chúng ta, cho dầu có phải gặp thử thách thì nhờ những thử thách, phong ba ấy, đức tin chúng ta lại trở nên vững chắc hơn.
Ngọc Liên