Chỉ mới hai năm trước đây, cơn bão Linda đã tàn phá các tỉnh ven biển miền Nam Việt Nam. Bây giờ cơn bão kinh hoàng nhất thế kỷ đã đổ xuống trên mảnh đất miền Trung. Khi những người cứu trợ tìm thấy Chị Nguyễn Thị Vân, hình dung chị trắng bệch như một xác chết, phều phào kể: “Lũ đến nhanh quá, cả làng bị cuốn phăng ra biển. Chồng em nắm tay em cùng 29 người khác bám vào một sợi dây cáp điện. Đuối sức, anh ấy buông tay ra và lập tức bị cuốn trôi. Cho đến lúc này, bên tai em vẫn còn văng vẳng tiếng kêu cứu thất thanh ngoài khơi của anh Sanh.” Đó là một câu chuyện trong ngàn câu chuyện tang thương ở miền Trung.
Có hơn 600 người thiệt mạng, chưa kể những người còn mất tích. Hơn 630 ngàn căn nhà đổ trôi. Mùa màng, gia súc bị phá hủy hoàn toàn. Mặc dù cơn lũ lụt đã giảm bớt, nhưng nạn đói và bệnh tật đã xuất hiện. Có khoảng 2 triệu người tại miền Trung đang trong tình trạng thiếu ăn và bệnh tật cần được cứu trợ. Tại sao thiên tai cứ dồn dập xảy đến quê nhà? Không ai thấu hiểu được sự đau khổ, nhưng chỉ có lòng thương máu chảy ruột mềm.
Không phải tại Trời
Ai là người trách nhiệm cho những sự đau khổ nầy? Có người cho là Trời, vì “Trời kêu ai nấy dạ.” Nhưng, Đức Chúa Trời không phải là Đấng chịu trách nhiệm. Ngài không đổ nỗi đau buồn trên nhân loại. Từ khi tạo thiên lập địa, Đức Chúa Trời cấu tạo con người theo hình dáng của Ngài, và ban cho sự sống đời đời. Ngài không tạo ra sự chết, sự đau khổ, cảnh tan xương nát thịt. Đức Chúa Trời không tạo ra con người rồi hủy diệt. Chính Ngài yêu thương loài người đến nỗi Ngài ban Chúa Giê-su xuống thế gian chết thay cho chúng ta, như vậy Ngài không khiến bão lụt đến miền Trung.
Nếu không phải Trời thì ai? Kinh Thánh có đề cập đến cơn lũ lụt trong thời kỳ cuối cùng. “Bấy giờ con rắn phun nước ở miệng mình ra như sông theo sau người đàn bà, hầu cho kéo người xuống sông” (Khải huyền 12:15). Con rắn, tức là con rồng, gọi là ma quỉ và Sa-tan, đã giáng lũ lụt để tiêu diệt con người, hủy hoại dân Chúa. Chúng ta thấy đây là ma quỉ trong thời kỳ cuối cùng trước khi tận thế tìm mọi cách hủy diệt loài người. Chúa ban cho sự sống, nhưng ma quỉ gây nên sự chết. Chúa giáng trần để cứu thế, ngược lại ma quỉ hoành hành diệt vong. Đức Chúa Trời không gây sự đau khổ, mà đau khổ đến vì hậu quả của tội lỗi.
Không đau khổ một mình
Những khi lũ lụt dồn dập đến thì kêu Trời; khi con người lâm nạn thì tìm hy vọng. Khi đồng bào miền Trung biết người Việt ly hương đã nổ lực cứu trợ chia cơm xẻ áo thì lòng họ tìm được sự an ủi. Chính Chúa Giê-su cũng quan tâm đến sự đau khổ của con người. Ngài tha thiết tâm tình với môn đồ tại vườn Ghết-sê-ma-nê. Tuy rằng họ không xoa dịu nỗi thống khổ mà Ngài chịu đựng, nhưng sự hiện diện và sự thấu cảm của họ là nguồn an ủi cho Ngài. Ngài có thể hiểu đồng bào ruột thịt miền Trung chúng ta “vì chính mình Ngài chịu khổ” (Hê-bơ-rơ 2:18). Chúa khóc khi thấy con người đối diện với sự chết (Giăng 11:35). Cho nên chính Ngài biết sự đau khổ là bao, Ngài hứa rằng Ngài sẽ ở cùng với chúng ta cho đến tận thế, thì không có chuyện gì mà chúng ta phải đối diện nghịch cảnh một mình cả. Ngài sẽ biến đổi hoàn cảnh khốn khổ trở thành lành mạnh. “Mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:28).
Kinh Thánh chép rằng, “Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta” (Công vụ 17:27). Khi trong khổ đau thì Ngài hứa rằng, “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” (Hê-bơ-rơ 13:5). Và “Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20).
Sự đau khổ chỉ là tạm thời. Khi Đức Chúa Giê-su trở lại, Ngài sẽ tạo trời mới đất mới, nơi ấy không còn lũ lụt nữa, không còn đau khổ nữa, không còn chết chóc nữa. Thế gian chìm trong tội lỗi sẽ qua đi, một thế giới mới đang đón chờ chúng ta.