Sau khi thoát khỏi nền đô hộ của Anh quốc, Ấn và Pakistan đã ba lần chiến tranh. Gần đây chúng ta nghe Ấn Ðộ thực hiện 5 vụ nổ nguyên tử, ngày 11 và 13 tháng 5, 1998; và Pakistan lập tức đáp lại bằng những vụ thử nghiệm của mình. Cả thế giới đều run sợ đến nỗi bộ ngoại giao Hoa Kỳ thúc giục Ấn Ðộ và Pakistan hãy ngừng tất cả mọi thử nghiệm vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn.
Nói đến nguyên tử, chúng ta nhớ đến trái bom nguyên tử đầu tiên mà Hoa Kỳ thả xuống thành phố Hiroshima ở Nhật Bản, vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, làm thiệt mạng hơn 80,000 người. Ðiều đó đã chấn động cả thế giới. Một vũ khí mà có thể tiêu diệt cả hàng trăm ngàn người trong một tích tắc. Ðó là trong đệ nhị thế chiến, nhưng bây giờ bấm một nút có thể giết cả triệu người.
Ngày nay chúng ta sống với sự e ngại và sợ hãi. Người Việt chúng ta đã trải qua biết bao giặc giã, nhà tan cửa nát. Có bao giờ quý vị đặt câu hỏi, “Chừng nào mới có hòa bình?” Có người nêu lên rằng, trải qua 4,000 năm nay chỉ có lối chừng 300 năm có thể nói là hòa bình. Sau khi Albert Einstein khám phá ra bom nguyên tử, không bao lâu có người đến phỏng vấn nhà khoa học, “Ông có tin rằng thế giới có hòa bình không?” Ông trả lời với nét buồn trên khuôn mặt, “Không! Khi nào vẫn còn loài người, khi đó vẫn còn giặc giã.”
Cơn đại nạn sắp đến
Từ khi tạo thiên lập địa, con người vốn hay tranh quyền thế vị. Dân Ai Cập đã bắt bớ dân Do Thái làm nô lệ 430 năm. Ðế quốc La Mã đã cai trị Âu châu một thời gian dài. Ðầu thế kỷ 19, hoàng đế nước Pháp, Napoléon Ðệ I, vì muốn làm bá chủ Âu châu, nên đã gây chiến với tất cả các nước trong vùng nầy. Adolf Hitler giết 6 triệu người Do Thái và muốn thống trị toàn cầu. Nhật Bản muốn làm bá chủ Á châu trong đệ nhị thế chiến. Rồi đến hậu thế hiện đại cũng tranh dành đất nước, tranh dành nhân dân, tranh dành quyền thế; cho nên, đưa đến chiến tranh, giặc giã, và thù hận. Rồi thế giới sẽ còn có thế chiến nữa không?
Lời tiên tri về thời kỳ đại nạn trong Kinh Thánh chép, “Các ngươi sẽ nghe nói về giặc và tiếng đồn về giặc. . . Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia” (Ma-thi-ơ 24:6, 7). Trong tờ báo Review and Herald, ngày 24 tháng 11, 1904, Bà Ellen G. White nói, “Chẳng bao lâu nữa sẽ có hoạn nạn kinh khủng dấy lên giữa nước nầy với nước kia—hoạn nạn sẽ không chấm dứt cho đến khi Ðức Chúa Giê-su trở lại. . . giặc giã và tiếng đồn về giặc giã, sự tàn phá bởi lửa và nước lụt, trong thời kỳ hoạn nạn, sẽ gia tăng cho đến thời kỳ cuối cùng, rất cận kề. Chúng ta không còn thì giờ để đánh mất” (Welfare Ministry, tr. 136). Ai cũng biết xưa nay có nhiều chiến tranh, nhưng chưa lúc nào có hai trận thế chiến như thế kỷ nầy. Có nghĩa giặc giã càng ngày càng gia tăng.
Một số người sẽ vượt qua
Lời tiên tri trong Kinh Thánh ghi, “. . . bốn vị thiên sứ đứng ở bốn góc đất, cầm bốn hướng gió lại, hầu cho không gió nào thổi trên đất, trên biển, hay trên cây nào. . . Chớ làm hại đất, biển và cây cối, cho đến chừng nào chúng ta đã đóng ấn trên trán những tôi tớ Ðức Chúa Trời chúng ta” (Khải huyền 7:1-3). Bốn góc đất có nghĩa là Bắc, Nam, Ðông, Tây; có nghĩa là bao gồm tất cả trái đất. Trong một biểu hiệu, gió tượng trưng giặc giã. Như vậy, Chúa muốn nói rằng Ngài sai thiên sứ kềm chế giặc giã trên địa cầu khỏi xảy ra cho đến khi những người theo Chúa được đóng ấn của Ngài trên trán. Có người hỏi rằng, “Làm sao tôi theo Chúa nếu không biết Chúa?”
Chúa sẽ ban, “Một vị thiên sứ khác bay giữa trời, có Tin lành đời đời, đặng rao truyền cho dân cư trên đất, cho mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng, và mọi dân tộc” (Khải huyền 14:6). Lời Chúa sẽ giảng ra khắp nơi để làm chứng cho tất cả mọi người trên thế giới. Những người tiếp nhận Chúa thì họ sẽ được đóng ấn của Chúa trên trán. Trong thời kỳ đại nạn, số người trung tín sẽ chịu nhiều đau khổ, nhưng họ sẽ vượt qua vì đã được đóng ấn của Chúa.
Hòa bình sẽ đến
Sau thời kỳ đại nạn thì đến hòa bình. Kinh Thánh nói sẽ có nhiều người thoát khỏi cơn đại nạn ấy. “Vô số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên Con [Ðức Chúa Giê-su]” (Khải huyền 7:9). Sau khi đã vượt qua thời kỳ đó, mọi giặc giã sẽ chấm dứt, không còn chiến tranh nữa, không còn tranh dành quyền thế nữa, chúng ta sẽ bước vào cảnh thanh bình. Tiến sĩ William Barclay nói, “Trước khi cảnh kinh hoàng tàn phá xảy đến, số người trung tín cần được đóng ấn bằng dấu ấn của Thượng Ðế để có thể sống sót. Không phải họ được miễn trừ khỏi cơn đại nạn, mà là trải qua cơn đại nạn một cách an toàn.”
Tôi nghĩ đến một tiều phu người Úc, xây căn nhà tại mé rừng. Một buổi chiều nọ, ông về nhà chợt thấy căn nhà thật điêu tàn. Cơn cháy rừng dữ dội đã vượt qua và thiêu hủy căn nhà của ông. Chỉ để lại đống tro tàn và tim khói nghi ngút. Trước cảnh thê thảm, ông lang thang đến nơi chuồng gà và đứng nhìn. Dưới chân ông một mớ lông chim hóa thành tro. Ông bèn đá mớ tro kia. Bạn có biết chuyện gì xảy ra không? Bốn chim con chạy ra. Bốn con sống sót bởi tình thương che chở của chim mẹ!
Thời kỳ hoạn nạn sẽ đến. Chiến tranh sẽ xảy ra. Chúa sẽ dùng quyền năng của Ngài che chở chúng ta vượt qua thời kỳ hoạn nạn. Chúa hứa rằng, “Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20). Niềm hy vọng cho quý vị và tôi và cả thế giới là sự tái lâm của Chúa. Chỉ có Chúa mới đem lại hòa bình. Trong những tháng năm chờ đợi Chúa trở lại, chúng ta hãy sẵn sàng bằng cách đón tiếp Chúa vào lòng, mời Chúa ngự trị trong đời sống mình. Cầu Chúa ở cùng quý vị luôn luôn.
Mục sư Nguyễn Khắc Vinh