Văn-Thơ-Truyện

Chân Dung Một Tín Đồ Cơ Đốc

Ông tên gọi thân mật là AL, hai chữ đầu của Alberto. Cậu AL có một thời thơ ấu không suôn sẻ. Cha mất sớm, mẹ một nách bảy tám đứa con, nên cậu đã bắt đầu phải lao động sớm để giúp gia đình. Về phần tâm linh, trong tâm tư cậu như thôi thúc bằng ước vọng vô hình là muốn tìm một lối khác để được gần với Chúa, đừng quá nặng về hình thức, lễ nghi. Mẹ cậu vốn dòng đạo gốc thì vẫn kỳ vọng nơi cậu, bà tin chỉ có cậu mới làm dòng họ hãnh diện khi đi vào con đường phục vụ Chúa và giúp đỡ tha nhân . . .
Nhưng hết trung học, ông đi nghĩa vụ. Chọn đời thủy thủ, đi xa ông mới thấy nhiều người quá khổ, nhiều thân phận xấu số, nhiều cảnh đời bên bờ địa ngục, không được sung túc, suôn sẻ như quê ông. Nhiệm vụ chính của ông trên tàu là tẩm liệm các thi hài lính Mỹ hy sinh tại chiến trường Việt Nam trước khi giao về cho thân nhân họ. Ông không biết chọn nghề gì, chẳng ngờ sau này nó là cần câu cơm khi ông xuất ngũ.
Ít năm sau nhớ bờ, ông bỏ đời thủy thủ, xuống phía nam Cali kiếm việc. Tình cờ ông được một mục sư Cơ Đốc giới thiệu vào làm tại trường Đại học Y khoa Loma Linda, chuyên lo chăm sóc bảo trì các tử thi để sinh viên sử dụng cho môn cơ thể học. Lúc này ông đã bỏ đạo cũ, quay sang đạo mới, tuy cả hai đạo cùng thờ một Chúa, cùng tôn vinh một Đấng Chí Cao, nhưng cách thờ phượng có phần hạp với tâm tư ông mong ước từ thời còn trẻ. Ông đi nhà thờ đều đặn, an phận với công việc, để nhiều thời gian với cả người chết lẫn người sống ngoài số giờ phải nghỉ ngơi.
Qua môi trường sinh hoạt nhà thờ, ông làm quen với một đồng nghiệp trong trường. Hai người cùng độc thân, cả hai đều trên dưới 50, nếu tính theo sức học, sở thích, tính nết và lịch sử gia đình thì nghe chừng không hạp. Nhưng họ tìm đến nhau trong tình đồng đạo tuy muộn màng, lại thành tri kỷ gắn bó với nhau gần một phần tư thế kỷ.
Bà vợ ông không phải người Cali, mà gốc vùng Midwest. Bà là con gái duy nhất trong một gia đình mục sư Cơ Đốc Phục Lâm, suốt thời niên thiếu theo cha làm công tác truyền giáo tại Peru, một vùng đất miền Nam Mỹ. Bà thạo tiếng Tây Ban Nha, sau khi tốt nghiệp đại học, bà làm cô giáo dạy tiếng Anh cho giáo dân địa phương. Khi ông cụ mất, bà theo mẹ về lại Mỹ, học tiếp ngành quản trị kinh doanh và nhận một công tác kế toán cho trường đại học nơi ông cùng làm.
Sau khi nghỉ hưu ở trường, vốn quen lao động chân tay, ông mở một dịch vụ nhỏ, chuyên sửa giầy dép các loại cho cả nam lẫn nữ bên Redlands. Nghề tay trái này ông học của ông nội khi còn ở nông trại. Tiệm của ông khá đông khách, tuy chỉ là khách địa phương.
Làm mãi cũng mệt, ông đành phải nghỉ. Chẳng cần sang nhượng, ông cho cái tiệm cho người phụ tá giúp việc ông từ mấy năm nay. Anh này người Việt Nam gốc Campuchia, sinh hoạt trong hội thánh người Việt vùng Loma Linda được ông bà coi như con nuôi.
Thực sự ông bà không phải là người ít tiền, nhưng trong chi tiêu vẫn theo truyền thống người Mỹ lại rất tiết kiệm. Là người Cơ Đốc được dạy dỗ phải biết chia xẻ, nên ông bà không phải chỉ sống cho riêng mình, mà còn tự nguyện đóng thuế cho chánh phủ, đóng góp cho cộng đồng, dâng hiến cho nhà thờ, giúp công tác từ thiện, ủng hộ quĩ trường học, chưa kể hay giúp đỡ bằng hiện kim và tặng vật cho các di dân từ xa đến theo truyền thống lâu đời của người Mỹ, trong đó luôn dành ưu tiên cho các tín đồ đồng đạo.
Căn nhà ông bà đang ở là của bố bà xây cất từ đầu năm 60. Vì ông cụ là mục sư nên trong di chúc có ghi sẽ dâng căn nhà này cho giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm sau khi con gái của ông mất đi. Di chúc không nói gì đến đời cháu, kể cả người phối ngẫu.
Nói về gia đình tôi sau khi qua Mỹ vào đầu thập niên 90 do được chánh phủ Mỹ nhận qua một chương trình tị nạn dành cho các cựu tù cải tạo. Biết chúng tôi từ Việt Nam sang, ông có cảm tình ngay vì những ký ức liên hệ một thời với đất nước tôi hồi chiến tranh. Do tình đồng đạo chuyển dần quen thân, ông bà luôn đối xử trong tình độ lượng, thương mến.
Thấy đám con chúng tôi hiếu học, ông bà khuyến khích bằng cách bảo trợ vay tiền và cho ở nhờ không mất tiền. Ông bà quí mấy con tôi đến mức chịu sắp xếp các chuyến du lịch sớm hơn dự trù để lái R.V. (loại xe đi xa tiện cho ngủ nghỉ trên xe) chuyển trường cho con tôi sang bên Texas, rồi khi tốt nghiệp lại tự nguyện sang dự và đón về. Ông bà đi đâu cũng tỏ ra hãnh diện về chúng nhiều hơn cả bố mẹ của nó (đúng là con cái của Chúa, buồn cùng chia xẻ, vui cùng vui chung).
Phần tôi chưa có ngươì Mỹ nào tôi cảm thấy gần gũi thoải mái trong quan hệ thân tình bằng ông AL. Tôi với ông không có khoảng cách, gặp nhau tay bắt mặt mừng, vui chuyện ngay từ phút đầu. Ông ít nói chuyện đạo hơn bà, nhưng hay rủ đi thăm viếng và tham gia các hoạt động từ thiện. Có điều ông không uống ruợu, cũng chẳng uống bia, không nghiền thuốc lá, chẳng biết uống trà, nhưng lại thích phở bò, chả giò, nem cuốn, không chê nước mắm mà ưa cả cơm chiên cá nướng theo cách ăn của người Việt mình.
Ngày vui qua mau, người có tình sớm từ giã nhau. Ông ra đi như chuyện tình cờ, giản dị như mơ. Đêm hôm trước ông bị té khi xuống cầu thang của chiếc R.V. Bác sĩ cho biết ông phải giải phẫu thay xương hông.
Nhớ lại sách Gia-cơ, đúng là chuyện đời khó đoán, chẳng ai biết chuyện ngày mai, dù chỉ là ngày hôm sau. Ca mổ dự trù 11 giờ trưa, định tối vào lại xem sao, thì khoảng 5 giờ chiều được tin ông mất. Về sau được biết ca mổ xấu đi do biến chứng của căn bệnh ông nhiễm từ hồi còn trẻ, nhưng thôi cũng là ý Chúa. Như di chúc để lại, ông đồng ý hiến thân xác cho trường đại học nơi ông làm việc. Gia đình tôn trọng ước nguyện của ông.
Trong buổi lễ tưởng niệm tại một thánh đường lớn vùng Inland Empire, ông được bạn bè, kể cả số người thân trên quê kéo xuống, dành cho những cảm xúc tiếc thương rất chân tình. Ba người đại diện nhóm thọ ơn, một anh con nuôi gốc Campuchia, một cô gái Mã Lai gốc Hoa, và tôi đại diện cho một gia đình H.O., vận dụng hết khả năng Anh ngữ của mình để biểu lộ lòng biết ơn chân thành qua lối xưng hô tùy vai vế. Người Mỹ có tập quán những buổi lễ như thế này, tuy buồn nhưng hay gợi nhớ những kỷ niệm dí dỏm, vui vui với người đã khuất, nhưng tôi mắt đẫm lệ, giọng nghẹn ngào đã không làm vừa ý người anh em đồng đức tin một thời gắn bó. Sau buổi lễ, mấy chị em ruột của ông đến gặp tôi bày tỏ những cảm tình coi nhau như tình huynh đệ, họ cảm nhận được mức độ gia đình tôi quý mến ông.
Có điều an ủi là mọi người biết ông ra đi trong thanh thản và tin chắc rằng ông đã ghé bến BÌNH AN. Chúng tôi nhớ ông như một người bạn lúc sống thì chan hòa đằm thắm, thích giúp tha nhân, khi chết thì thân xác hiến cho đời sau, tiền đem dâng, nhà đem hiến. Ra đời trần truồng, ra đi tay trắng, không mộ phần, không kỷ niệm chương, chẳng để lại dấu vết gì của một kiếp người trên đất.
Ông có để lại, thực sự ông có để lại cái TÌNH, di sản của một người Cơ Đốc tốt bụng, mà những người còn sống, trong đó có gia đình tôi, không thể nào quên.
Đỗ Xuân Thảo

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button