Nếu có dịp đi đến vùng Dublin, Ái-nhĩ-lan bạn sẽ thấy tại đó có một ngôi nhà thờ tuy cũ kỹ nhưng rất nổi tiếng với thời gian tồn tại đã trên 500 năm—thánh đường St. Patrick. Nó nổi tiếng một phần vì sự lâu đời của mình, nhưng điều thật sự khiến nó được nhiều người biết đến là vì Cánh Cửa Hòa Giải của nó.
Vào năm 1492, bá tước Ormonde và bá tước Kildare đã có một trận quyết đấu với nhau. Ormonde bị thất thế nên ông bỏ trốn vào trong thánh đường Patrick và đóng cửa lại. Bên ngoài là Kildare đang la hét, đòi ông phải mở cửa ra và chịu chết. Trong thế giằng co như vậy, đột nhiên bá tước Kildare quyết định chấm dứt sự xung đột. Ông dùng thanh gươm của mình và khoét một lỗ hổng nhỏ trên cánh cửa gỗ ở giữa hai người và thò tay của ông vào bên trong để tìm một cái bắt tay giảng hòa. Giờ đây bá tước Ormonde có một trong hai sự lựa chọn: hoặc là ông sẽ chặt đứt cánh tay của địch thủ của mình, hoặc là ông sẽ bắt tay và tuyên bố giảng hòa. Ormonde đã ném thanh gươm xuống đất và bắt tay của Kildare. Kể từ hôm đó trở đi, cánh cửa gỗ giản dị đó được gọi là Cánh Cửa Hòa Giải.
Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, những va chạm, những bất hòa là điều khó có thể tránh khỏi. Nhưng, trong những hoàn cảnh đó, chính là lúc mà chúng ta phải thể hiện sự cảm thông và tha thứ của mình. Lời Chúa có chép, “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy” (Cô-lô-se 3: 13).
Sự hòa giải ấy sẽ giúp tất cả chúng ta sống xích lại gần nhau. Đặc biệt hơn, tinh thần tha thứ đó sẽ giúp chúng ta sống gần cùng Chúa hơn.
Mục Sư Trần Quốc Khôi
0 211 1 minute read