Bà Chính lúi húi bỏ thêm củi vào bếp nồi cơm. Trên mái tôn của hiên sau, mưa vẫn rơi đồm độp không ngừng. Bà Chính ái ngại nhìn ra ngõ hẻm, trông ngóng bóng u già. Từ trong nhà có tiếng la chí chóe của lũ con nít. Bà Chính ngừng tay, chạy vội vào nhà.
— Chúng bay làm gì đó? Im lặng ngay lập tức! Nhà ông Phán có khách, chúng mày đừng làm nhộn để ông bà Phán phải phiền lòng.
Quân, đứa lớn nhất, vẫn còn bực mình với lũ em, nhưng trông nét mặt buồn rầu của mẹ, nó nín lặng không nói gì nữa. Bà Chính nhìn đám con nheo nhóc trên cái giường cỏn con rồi thở dài. Bà và các con mới tản cư từ Bắc vào Sài-gòn. Ông Chính không kịp thuê nhà nên gia đình bà ở tạm trong nhà của ông bà Phán. Ông Phán là bạn của chồng bà. Ông là người hoạt bát, rộng rãi; nhưng bà Phán tỏ ra rất khó chịu với đám con nít, nhất là những lúc nhà có khách. Phải chi trời không mưa, bà đã cho chúng ra công viên chơi với u già như mọi ngày. Vừa đi ra hàng hiên, bà Chính vừa nghĩ ngợi. Trước thời “tiêu thổ kháng chiến”, ông bà Chính không những có nhà, lại còn có một xạp hàng ở phố chợ. Các con lớn của bà, đứa nào cũng có vú em trông nom. U già là vú em của đứa con trai thứ ba của bà Chính. Ngày giặc giã kéo về tỉnh thành, nhóm kháng chiến quốc gia đã kêu gọi dân chúng phát hỏa đốt cháy hết nhà cửa, vườn tược, cơ sở thương mại để giặc Pháp có chiếm được thành phố thì cũng chỉ chiếm được đám đất hoang. Từ ngày phải bỏ nhà để chạy giặc, gia đình bà Chính đã tản cư đến nhiều nơi: Ô-mễ, Chợ Cầu, làng Bằng. . . và bây giờ Sài-gòn. Tiền của đem theo được cũng dần dần tiêu hết. Tuy chưa bốn mươi tuổi, nhưng những năm tháng giặc giã khổ cực đã tạo những nếp nhăn nho nhỏ ở hai đuôi con mắt của bà. Mãi tư lự, bà Chính không trông thấy bóng người chạy từ ngõ hẻm vào hiên sau.
— Mợ! Mợ! Mợ Chính này!
— Ô! U đã về đấy à. Mưa lớn quá. Tôi mong đợi U mãi.
Vừa bỏ mớ củi ướt xuống hiên, u già vừa cởi cái áo mưa cũ rích ra. Nhìn lấm lét quanh phía nhà sau, u già thì thào vào tai bà Chính.
— Mợ ạ, tôi nhặt được tờ hai chục.
Nói xong, u dúi vào tay bà Chính một tờ giấy cuộn tròn. Nhè nhẹ vuốt thẳng tờ giấy trong bàn tay, bà Chính trông thấy tờ giấy hai chục đồng, tuy nhem nhuốc bùn, nhưng vẫn còn nguyên vẹn.
— Tiền của ai đánh rơi, mình giữ lấy tội chết U ạ.
— Tôi biết tiền của ai mà trả. Có phải tiền mới đánh rơi đâu. Mưa lớn quá, công viên chẳng có ai. Lúc tôi lúi cúi nhặt củi, tôi trợt chân, xảy chiếc dép. Nước mưa cuốn chiếc dép vào trong bụi rậm. Tôi phải bỏ cả củi, chui vào hóc kẹt lôi nó ra. Tờ hai chục nằm ngay dưới chiếc dép. Của Trời cho đấy!
— Trời cho U thì U giữ lấy. U đưa tôi làm gì. Từ ngày U theo tôi vào Nam, U giúp tôi trông nom lũ con nít. Tôi có tiền trả công cho U đâu mà U còn đưa tiền cho tôi.
— Mợ lẩm cẩm lắm. Thế lúc có trận đói lớn năm Dậu, cậu mợ đã chẳng ngại ngùng cho tôi tá túc. Rồi lúc giặc giã về thành, cậu mợ cho tôi về làng xem xét gia đình. Tôi về đến làng thì nhà cửa trong làng không phải kháng chiến thì cũng là giặc Pháp đốt trụi cả. Gia đình tôi chẳng còn ai. Tôi một mình trơ trọi. May quá, tôi gặp lại mợ và cụ bà buôn dầu ở chợ làng Bằng. Mợ lại cho tôi về ở với mợ. Mợ đã bảo, “Có cơm, ăn cơm. Có cháo, ăn cháo.” Sao bây giờ mợ còn kể tiền mợ, tiền tôi.
— Nhưng. . .
— Không “nhưng” gì cả. Trời mưa to, gió lớn thế này. Cậu Chính ngày ngày đạp xe đạp hơn chục cây số để đến sở làm, rồi lại đạp về. Tôi không muốn nói dại, chứ nhỡ cậu ngã bệnh thì mình ra sao? Mình phải dọn ra ở riêng, gần chỗ cậu làm.
— Tôi cũng biết vậy. Hai chục đồng nhiều lắm U ạ, gần một phần ba tháng lương chứ ít sao.
— Càng có nhiều tiền thì mình càng chóng thuê được nhà riêng. Thời buổi này nhà cửa đắt đỏ. Chỉ ước mình được một chỗ có tí đất mình nuôi vài con gà, vài con vịt. Trước nhà có cây mận hay cây chùm ruột cho lũ trẻ nó trèo thì hay quá.
Vừa kể lể tấm lòng mong ước của mình, u già vừa tủm tỉm cười nhe hai hàm răng móm xọm. Nhìn nụ cười tươi trên khuôn mặt nhăn nheo của u già, bà Chính bỗng thấy mắt mình cay cay. Mối thâm tình khăng khít giữa hai người không phải là mối tình mẹ con, cũng không hẳn là chủ tớ. Có những nỗi lo âu bà Chính không dám kể cho mẹ mình nghe, nhưng u già lúc nào cũng ở bên cạnh, sẵn sàng chia xẻ các nỗi vui buồn đó. Ước mơ của u bao giờ cũng chỉ cốt vào hạnh phúc của gia đình bà Chính.
— U lúc nào cũng tốt với tôi.
Nghe giọng nghẹn ngào của bà Chính, u già bỗng đứng phắt dậy, đi ra nhặt cái áo mưa lên, rồi lớn giọng nói:
— Phải cất cái áo mưa này đi mới được, không họ lại kêu mình làm bẩn nhà họ.
Một tay giũ nước từ cái áo mưa, một tay u già nhanh nhẹn gạt giọt nước mắt lóng lánh trên mi.
Nắm chặt tờ hai chục trong tay, bà Chính nhìn chăm chăm ngọn lửa bập bùng trong bếp lò. Một căn nhà riêng của gia đình bà, các con bà sẽ được tự do chạy nhảy. Một căn nhà riêng, cha mẹ, họ hàng sẽ được đến thăm thoải mái. Một căn nhà với mảnh vườn cỏn con, u già và bà sẽ trồng vài khóm rau thơm.
Bỗng bà Chính nhớ đến người giáo sĩ ngoại quốc. Với giọng trầm ấm, từ tốn, người giáo sĩ đã kể cho bà nghe một Đấng Nhân từ vượt bực. Đấng đó đã xả thân cứu tội cho nhân loại để nhân loại, một ngày nào đó, sẽ được về nơi đất hứa sống cùng Ngài mãi mãi. Phải rồi, cuộc sống này chỉ là cuộc sống tạm cũng như chỗ ở của gia đình bà bây giờ cũng chỉ là chỗ ở tạm. Sẽ có một ngày, một ngày chắc chắn.
“Lòng các ngươi chớ hề bối rối; hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa. Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở, bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Giăng 14:1-3).
_ LTMH _
0 228 5 minutes read