Tùy Bút

Can Đảm

Trong tác phẩm “Đức Chúa Trời yêu thương” Charles Colson có kể về Telemachus, một Cơ Đốc nhân ở thế kỷ thứ 4. Ông sống tại một ngôi làng hẻo lánh, chăm sóc vườn tược của mình và dành phần lớn thì giờ để cầu nguyện. Một ngày kia ông nghe tiếng phán của Chúa sai ông đi đến Rô-ma, thế là ông lập tức vâng lời và khởi đi bộ đến đó. Sau nhiều tuần lễ mệt mỏi, cuối cùng ông cũng đến thành phố vào đúng lúc bắt đầu một lễ hội lớn.


Với thân hình nhỏ bé, Telemachus đi theo đám đông đến đấu trường Colosseum. Ông thấy các đấu sĩ đứng trước mặt hoàng đế La Mã và nói, “Chúng tôi những người sắp chết kính chào ngài!’’ Ông hiểu ra rằng những người nầy sẽ đánh nhau cho đến chết để làm trò vui cho người xem. Ông la lên, “Trong danh Đấng Cơ Đốc, hãy dừng tay!’’
Khi trận đấu bắt đầu, ông len lỏi qua đám đông, leo qua hàng rào, nhảy vào trong đấu trường. Khi mọi người nhìn thấy một người nhỏ bé vừa chạy về phía những đấu sĩ vừa kêu lớn, “Trong danh Đấng Cơ Đốc, hãy dừng tay!’’ Họ tưởng đây là một phần của màn trình diễn nên mọi người đã bật cười.
Nhưng rồi họ nhận ra nó không phải vậy, những tiếng cười chợt tắt. Thay vào đó là những tiếng chửi rủa, la ó. Trong khi ông van nài những đấu sĩ hãy dừng tay, một người trong bọn họ đã lấy kiếm đâm xuyên qua người ông. Trong phút hấp hối, Telemachus nói lời cuối cùng, “Trong danh Đấng Cơ Đốc, hãy dừng tay!’’
Và một điều khác thường đã xảy ra. Các đấu sĩ đứng nhìn thân hình bé nhỏ nằm sóng soài dưới đất. Một sự yên lặng phủ lên Colosseum. Trên hàng ghế trên cùng, một người đàn ông đứng dậy và bỏ về. Những người khác cũng bắt đầu đi theo. Và trong sự yên lặng khó tả, mọi người rời khỏi đó.
Đó là năm 391, và đó cũng là trận tử chiến cuối cùng ở Colosseum, Rô-ma. Không bao giờ trong đấu trường to lớn đó, người ta giết nhau để làm thú tiêu khiển cho thiên hạ nữa, tất cả chỉ vì một giọng nói nhỏ bé mà khó có thể nghe giữa những sự lộn xộn ở đó. Một giọng nói—một đời sống—đã nói sự thật trong danh Chúa.
Ngày nay cũng vậy, Chúa cũng kêu gọi mỗi một chúng ta hãy can đảm hy sinh để làm chứng về danh Ngài cho những người khác. Chúng ta có dám ra đi hay không? Đức Chúa Trời vẫn còn đang sử dụng những con người nhỏ bé, ít ỏi để thực hiện những công việc vĩ đại của Ngài, liệu chúng ta có muốn làm công cụ của Ngài? Khi nghe tiếng Chúa kêu gọi, “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Liệu mỗi một người chúng ta sẽ nhanh chóng đáp lời rằng, “Có tôi đây; xin hãy sai tôi” chăng? (Ê-sai 6: 8).
Mục Sư Trần Quốc Khôi

Related Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Back to top button