Chuyện kể rằng ở một vùng quê nọ có hai vợ chồng chuyên nghề buôn bán. Vào một đêm, vô tình cô vợ đi đá nhằm cái cân làm nó bị hư. Hôm sau, người chồng mang ra tiệm sửa nhưng anh đã trả tiền để người thợ kia chỉnh cho cái cân thiếu đi 200 gram.
Hai hôm sau, khi hai vợ chồng trên đường ra chợ để nhập hàng vào kho thì người vợ nhắc chồng đi lấy cái cân. Thấy anh chồng có vẻ lưỡng lự nên người vợ sinh nghi. Dọc đường cô giả vờ đau đầu và nói anh chồng cứ đi trước, khi nào chị khỏe hơn sẽ đuổi theo. Khi chồng đi khuất, người vợ mới đi tìm người thợ sửa cân. Quả nhiên, nàng đã hiểu lý do vì sao chồng của mình lại ậm ờ, chưa muốn đi lấy cái cân. Nàng đã trả tiền gấp đôi để người thợ sửa cái cân lại cho chính xác.
Kể từ đó, quán của họ bán được đông khách hơn trước. Đến cuối năm khi tổng kết, người vợ hỏi chồng có biết vì sao quán của họ bán nhiều, đắc hơn và lợi hơn mọi năm không? Người chồng vui vẻ bảo rằng, “Vì anh đã cho chỉnh cái cân hạ xuống 200g, khi cân cho khách anh cho thêm 200g, họ tưởng anh hào phóng nên trở lại mua nhiều.”
Nghe vậy, người vợ mỉm cười và nói với chồng rằng, “Anh ơi, bởi thế em mới tốn gấp đôi số tiền để trả cho người thợ sửa cái cân. Em yêu cầu ông ta chỉnh lại cho đúng số bình thường. 200g anh cân dư cho khách hàng đã làm họ vui mừng, và quay lại mua vì họ thấy hài lòng bởi không bị lừa gạt. Nếu anh cân thiếu, cho dù họ mất 200g, tuy không bao nhiêu, nhưng họ sẽ bực bội và sẽ không bao giờ trở lại mua hàng của chúng ta nữa. Tuy lời ít nhưng chúng ta giữ được chữ tín trong lòng họ. Dù làm việc gì đi nữa, chúng ta vẫn phải sống trung thực.” Thế là người chồng cảm ơn vợ đã cho anh ta một bài học đáng quí.
Thật là một bài học quí giá biết bao khi chúng ta, cho dù làm việc gì đi nữa, cũng không nên đánh mất chính mình. Người Hê-bơ-rơ thấy linh hồn vốn đầy dẫy những ham muốn mãnh liệt, thôi thúc nó bành trướng ảnh hưởng trên nhiều người và vật khác. Đó là hamad nghĩa là “Tham lam tài sản của người lân cận” (Phục truyền 5:21; Mi-chê 2:2), besa nghĩa là “Tham lợi bất chính” (Châm ngôn 28:16; Giê-rê-mi 6:13), và awa nghĩa là “Dục vọng ích kỷ”. Khi chuyển ngữ thì tất cả các từ ở trên đều được dịch ra là “Tham lam”. Thánh Kinh Cựu Ước xếp tham lam vào một điều bị cấm (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17) và A-can đã vì tội ác ấy mà bị ném đá trong Giô-suê 7:16-26. (Trích từ Từ Điển Thánh Kinh Mới – mục ‘Tham Lam – Covetousness’). Câu chuyện cho chúng ta suy ngẫm lại bản thân, là con cái Chúa, chúng ta phải cho mọi người thấy mình thật sự thuộc về Chúa bao nhiêu, qua những hành động, suy nghĩ và những lời mình thốt ra. Nguyện xin Chúa cho chúng ta biết sống một đời xứng đáng là con Ngài. Hầu cho chúng ta sẽ không vì tư lợi riêng mà đánh mất bản thân và nhất là làm hổ danh Chúa.
Lưu Lan