Ngày 30 tháng Tư là ngày kỷ niệm 40 năm quốc gia Việt Nam Cộng Hòa bị xóa khỏi bản đồ chính trị thế giới. Đó cũng là kỷ niệm 40 năm xa quê hương nước Việt của tôi. Tôi xem lại những tấm hình cũ của những ngày đầu tưởng là mình chỉ tạm trú nơi quê người. Và tôi thấy những ảnh hình kỷ niệm của tiền thân hội thánh Cơ-đốc Người Việt tại El Monte: hội thánh Cơ-đốc Người Việt tại Glendale.
Giữa những bức ảnh của các sinh hoạt hội thánh những ngày đầu tiên ở xứ người, tôi bắt gặp các tấm ảnh của chính mình chụp trong các buổi lễ, đọc những lời tuyên dương cho các bà mẹ của nhà thờ những ngày xưa ấy. Trong các bà mẹ của hội thánh lúc ấy, có Má tôi. Gần 40 năm đã qua, tuổi đời của tôi ngày nay cũng gần bằng tuổi Má tôi thuở ấy. Ngày đó, tôi đã nghĩ rằng mẹ mình đã cao tuổi! Trong ánh mắt của những người làm con, cho dù tuổi mình có là bao nhiêu, khi nghĩ về mẹ mình, chúng ta cũng cứ thấy mình vẫn là những đứa con bé bỏng. Chúng ta thường nhớ về mẹ mình là một người phụ nữ cao tuổi, một bà mẹ; ít khi nào chúng ta nghĩ về mẹ mà nhớ rằng mẹ mình cũng đã từng là một đứa trẻ hồn nhiên, một người thiếu nữ mộng mơ, và đã là một người đàn bà quán xuyến, có khi cả thành công nơi thương trường, hay là một người lãnh đạo của hội thánh hay cộng đồng nữa.
Sau hơn mười năm tham dự những buổi lễ nhóm nhà thờ, và của những chương trình đặc biệt tôn vinh từ mẫu, Má tôi đã qua đời. Má tôi không còn nghe những lời tuyên dương công đức người mẹ của tôi nữa. Nhưng tôi biết những lời tri ân của tôi đã trở nên tha thiết hơn và các buổi lễ mẹ bỗng dưng trở thành một dịp lễ mang nhiều nước mắt cho tôi hơn.
Khi mất mẹ, tôi mới thấu hiểu được niềm tin Cơ-đốc mà Ba và Má tôi đã đặt để vào lòng các con của họ là sâu đậm biết bao. Như những bà mẹ Cơ-đốc của hội thánh tôi, Má tôi đã cầu nguyện hằng đêm cho các con mình. Khi Má không còn, tôi ý thức được cái hình ảnh “bóng dáng mẹ hiền quì bên gối xưa” là thực và là bao la tình mẫu tử biết bao. Và tôi cũng thấy mình thèm thuồng được nghe những lời thăm hỏi hay những lời khuyến khích của các bà mẹ đồng thời với mẹ tôi trong hội thánh. Tôi nhớ đến những người mà tôi đã thân tình gọi họ như những người ruột thịt của mình: Thím Giáo, Thím Hựu, Cô Hồng, Thím Tám Hòa, và Cô Tín. Họ là những người, mỗi tuần, khi tôi đến nhà thờ, sự ân cần của họ đã gợi cho tôi chút gì hình ảnh một người mẹ thương mến. Họ đã hỏi han, nhắc nhở tôi; họ đã khuyến khích hay thúc giục tôi; và họ đã ân cần gói ghém những món quà nhỏ đơn sơ, một chút rau, một chút bánh, một chút hoa trái trong vườn. Họ đã là những bà mẹ của nhà thờ đã giúp tôi vơi bớt chút gì nỗi buồn mồ côi.
Trong nhà thờ, trong hội thánh chúng tôi có nhiều người trẻ tuổi. Có người đã thật không còn mẹ. Có người có mẹ nhưng mẹ ở nơi xa không gặp gỡ thường xuyên được. Có người đã 5, 10 năm chưa gặp lại mẹ mình. Chúng tôi, những bà, những cô trong hội thánh, cũng hỏi han, nhắc nhở, khuyên răn họ hay gởi chút bánh chút kẹo cho họ. Tôi hy vọng những người trẻ tuổi này cũng tìm thấy nơi chúng tôi – các bà, các cô trong nhà thờ, chút hình ảnh ân cần của một người mẹ với họ khi mẹ họ không ở gần bên.
Thêm một mùa Lễ Mẹ lại đến với quê hương Hoa Kỳ. Lại thêm một lần, hội thánh chúng tôi tổ chức một ngày lễ đặc biệt để tri ân các bà mẹ. Tôi lại một lần nữa viết những lời tưởng nhớ và truy điệu công đức sinh thành của các bà mẹ. Tôi hy vọng, không chỉ trong các ngày lễ này, mà cả toàn năm, chúng tôi, các bà mẹ của hội thánh, thể hiện được, không chỉ riêng cho con ruột mình, mà cả với những người trẻ tuổi trong hội thánh, cái tình thương của một người mẹ, cái tình thương mà Kinh Thánh đã nói, “ta sẽ yên ủi các ngươi như mẹ yên ủi con” (Ê-sai 66:13). Cầu xin ơn phước Chúa đổ tràn trên các bà mẹ của hội thánh.
Ngọc-Liên
Mother’s Day 2015