Bối cảnh lịch sử thời Đức Chúa Jesus ra đời.
Hơn 300 năm trước Chúa, đế quốc Ma-xê-đoan – Hy Lạp dưới sự lãnh đạo của A-lịch-sơn Đại đế (Alexander The Great) đã chiếm đóng hầu hết thế giới, từ Ấn Độ sang đến Ai Cập. Khi A-lịch-sơn qua đời, đế quốc bị chia tư cho bốn tướng lãnh của ông và mất đi sự hùng mạnh thuở trước. Tiếp đó một cường quốc mới nổi lên, có tài binh bị và tận dụng binh khí tinh xảo bằng sắt thép, đó là La Mã với một đội quân dũng mãnh nhưng cũng rất bạo tàn. Hy Lạp – Ma-xê-đoan đã suy tàn và chỉ còn là các nhóm quân đội rải rác lẻ tẻ không hợp nhất. Tuy vậy, văn hóa Hy Lạp đã để lại ảnh hưởng sâu đậm vào văn hóa của người phương Tây. La Mã, tuy thắng trận, về văn hóa cũng vay mượn nhiều ảnh hưởng của Hy Lạp.
Đế quốc La Mã lan rộng bờ cõi, và đến khoảng năm 67 TC thì tấn chiếm vùng đất Giu-đê, tức là vùng Trung Đông dọc bờ biển Địa Trung Hải ngày nay. Các đám quân Hy Lạp vẫn còn tiếp tục phá rối và tấn công vùng đất nầy. Tướng của đạo quân Do Thái là Hê-rốt đã chạy sang La Mã cầu viện. Chính quyền La Mã gởi quân sang xứ Giu-đê để tiếp viện. Hê-rốt còn nhờ hai vị tướng lớn của La Mã là Mark Antony và Octavian xin Thượng Viện La Mã lập ông ta làm vua dân Giu-đa để ông ta có quyền lãnh đạo và đối đầu với bọn quân Hy Lạp. Khi lên ngôi, Hê-rốt xưng mình là Vua Dân Giu-đa, và cũng được gọi là Hê-rốt Đại Đế (Herod the Great).
Vua Hê-rốt được toàn quyền cai trị xứ Giu-đê. Ông là một người đa mưu, nhiều tham vọng, mà cũng rất tàn ác, nên đã bành trướng và củng cố bờ cõi của mình. Hê-rốt đã xây dựng nhiều thành trì, cung điện cho mình và gia đình, một trong các công trình xây cất của vua là ông đã xây lại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem Thứ Nhì, một kỳ công kiến trúc nguy nga.
Cuối đời của Hê-rốt Đại đế, Hoàng đế La Mã là Sê-sa A-gút-tơ đã ra lệnh kiểm điểm dân số của xứ Giu-đê cho dễ bề đánh thuế. Đây chính là vua Hê-rốt mà Kinh Thánh đã nhắc đến khi Đức Chúa Jesus ra đời, ông là người đã ra lệnh tàn sát tất cả các con trẻ sinh ra trong làng Bết-lê-hem. Vốn bạo tàn, nhiều tham vọng nhưng cũng rất đa nghi nên khi hay tin có một “vì vua” giáng trần, lòng nghi kỵ sợ mình sẽ bị mất ngôi đã làm Hê-rốt Đại đế ra lệnh giết hết các bé trai ra đời trong khoảng tuổi của Chúa Hài Đồng. Đó là lý do mà thiên sứ Đức Chúa Trời hiện ra cùng Giô-sép giữa đêm khuya, để truyền ông phải tức tốc đem gia đình lánh sự tàn sát của vua Hê-rốt. Cha mẹ Đức Chúa Jesus đã mang đứa con sơ sinh của mình rời quê hương là Bết-lê-hem để tản cư và tị nạn tại xứ Ê-díp-tô.
Hê-rốt Đại đế qua đời không lâu sau khi Đức Chúa Jesus giáng sinh. Hoàng đế của La-mã là Sê-sa A-gút-tơ chia hoàng triều của người Giu-đa ra cho ba người con của Hê-rốt nắm giữ. Người con trưởng là Hê-rốt A-chê-la-u cai trị lãnh thổ xứ Giu-đê nơi có thành Giê-ru-sa-lem và toàn cõi xứ Sa-ma-ri. A-chê-la-u cũng tàn ác không thua cha mình nhưng lại không có được tài trí như cha mình nên Sê-sa không tin cậy tài sức của vua nầy.
Khi Hê-rốt Đại đế qua đời, thiên sứ Đức Chúa Trời đã hiện ra cùng Giô-sép trong xứ Ê-díp-tô và bảo ông rằng ông có thể mang vợ con trở về lại quê hương. Nhưng khi về đến xứ Giu-đê, Giô-sép biết A-chê-la-u nối ngôi cha, cũng hung bạo chẳng kém, nên ông đưa gia đình lánh qua xứ Ga-li-lê (thay vì Giu-đê). Đức Chúa Jesus vì vậy lớn lên ở làng Na-xa-rét thuộc xứ Ga-li-lê, do đó Ngài còn được gọi là Jesus người Na-xa-rét.
Đức Chúa Jesus ra đời và lớn lên trong một thời kỳ chính trị có nhiều đổi thay trong toàn quốc gia Do Thái. Chính quyền của Sê-sa ngày càng thắt chặt vòng kiểm soát với dân bị trị. Xứ Giu-đê, Sa-ma-ri và Ga-li-lê, tuy là đất của người Do-thái, có vua, nhưng thật sự là một quốc gia bị trị dưới quyền của La Mã. Đế quốc La Mã lúc ấy cầm quyền hầu hết Âu châu, một phần của Á châu và ảnh hưởng lan rộng đến tận Phi châu. Tất cả bờ biển quanh Biển Địa Trung Hải đều thuộc về La Mã. Thế giới lúc ấy xem như không còn chiến tranh nữa vì tất cả các quốc gia đều ở dưới quyền thống trị của La Mã.
A-chê-la-u là người bất tài nhưng thất đức nên Sê-sa hạ bệ vua nầy vào năm 6 SC và đặt lãnh thổ Giu-đê dưới quyền giám sát của quan tổng đốc người La Mã của xứ Sy-ri là Qui-ni-ri-u. Kể từ đó, xứ Giu-đê mất độc lập và chỉ có vua bù nhìn, đời sống người dân bị đô hộ đầy lầm than và lòng họ nhiều căm phẫn. Chính quyền Sê-sa cắt đặt các tổng trấn người La Mã đến cai trị xứ Giu-đê. Dân Do Thái trong thời Đức Chúa Jesus cho đến khi họ bị mất nước (năm 70 SC) đã sống dưới quyền cai trị tàn bạo của các tổng trấn La Mã. Bôn-xơ Phi-lát, người đã ra lệnh xử tử Đức Chúa Jesus trên thập tự giá, cũng là một tổng trấn nhiều tham vọng và bất nhân của La Mã.
Ngọc Liên