Một trong những tiên tri vĩ đại nhất thời Cựu Ước, tiên tri Ê-sai, được kể là người có diễm phúc khi Đức Chúa Trời chọn ông để khải thị sự ra đời của một Đấng Thánh, dưới dạng một con trẻ bình thường, hơn 700 năm trước ngày Chúa giáng sinh. “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ-lùng, Đấng Mưu-luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình-an” (Ê-sai 9:5).
Lạ lùng ở chỗ không phải đứa trẻ được xưng tụng bằng những danh xưng cao quí nhất chỉ có trên thiên đàng, nơi ngôi cao sang của Đấng Chí Cao, mà sự ra đời của Chúa Hài nhi bảy thế kỷ sau còn mang tính chất diệu kỳ có một không hai trong thế gian để ngày nay trải qua hơn hai ngàn năm, chuyện tích Thiên Chúa Giáng sinh vẫn là sự kiện nổi bật nhất trong năm khi cư dân trên đất cứ vào những ngày lập đông lại cùng nhau ngưỡng vọng, tưởng niệm, mừng vui coi đó như một lễ hội văn hóa tâm linh toàn cầu vượt qua biên giới không gian thời gian, vượt qua rào cản màu da, sắc tộc, tín ngưỡng, ngôn ngữ, quốc gia đúng như lời Đức Chúa Trời mong mỏi, ‘vì nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.’
Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta như lời tiên tri tỏ lộ, nên Chúa Hài nhi cũng được sinh ra như một thai nhi bình thường được hoài thai trong thân thể một người nữ, nhưng không bình thường ở chỗ người mẹ của đứa trẻ vẫn là một người nữ đồng trinh và thịt huyết của con trẻ không là hệ quả của sự kết hợp xác thịt giữa người nam người nữ, mà diệu kỳ thay khi quá trình hình thành cấu tạo thai nhi là do khí huyết của Thánh Linh được sắp đặt vi diệu trong lòng người nữ có tên là Ma-ri, người mẹ phần đời của Chúa Giê-su, mà khi được Chúa chọn bà đã không giấu nổi niềm cảm xúc bằng sự hạ mình tỏ lộ, “từ nay về sau, muôn đời sẽ khen tôi là kẻ có phước.”
Đến kỳ sinh nở, cư dân trên đất lại càng sửng sốt khi đứa trẻ, mà ‘quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài’ lại sinh ra trong một máng cỏ được thiên sứ rao báo trước bằng một dấu để nhìn nhận là “sẽ gặp một con trẻ bọc bằng khăn, nằm trong máng cỏ và con trai đó được đặt tên là Giê-su.” Cũng là điều diệu kỳ giữa khung cảnh đơn sơ nghèo nàn của một chuồng chiên máng cỏ, trong không gian cô quạnh thinh vắng của đêm đông lạnh lẽo nơi một thành nhỏ mang tên Bết-lê-hem, thì đúng giờ khai hoa nở nhụy Chúa hài đồng bỗng chúc vọng lên lời hòa ca của muôn vàn thiên sứ thánh vui mừng rao báo sự ra đời của Đấng Cứu Thế, tỏa sáng thông điệp muôn đời làm nức lòng muôn vật trên thế gian:
Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao
Bình an dưới thế, ân trạch cho loài người
làm ứng nghiệm lời của Đức Chúa Trời cũng trong sách Ê-sai khi Ngài phán, “Ta dựng nên trái của môi miếng: bình an, bình an cho kẻ ở xa, cùng cho kẻ ở gần” và Chúa Giê-su được xưng là Chúa Bình-an từ nay sẽ trở thành xác thịt, đến và ở cùng giữa loài người.
Cũng từ đây, khi nói đến ‘bình an dưới thế’ là nhắc đến một món quà của Thiên Chúa dành cho nhân loại mà những ai tin nhận con của Đức Chúa Trời, sống với Ngài, sống cho Ngài thì mặc nhiên được hưởng ân sủng này. Có điều sự bình an do Chúa ban không giống như bình an của thế gian, vượt quá sự hiểu biết của con người, bởi lẽ như sách Phi-líp đã chỉ ra, “Sự bình an của Đức Chúa Trời sẽ giữ lòng và ý tưởng của anh em trong Đức Chúa Giê-su Christ.” Bình an cũng trở thành một trong 9 trái thánh linh mà ai hưởng được ơn này coi như là công sức của mình biểu lộ qua đức tin đã đơm hoa kết trái trong tình yêu thương của Chúa.
Mùa Giáng Sinh mỗi năm trở thành mùa của Hy Vọng, mùa của Bình An, mỗi người lại có dịp làm tươi mới lại mối quan hệ với Chúa Bình-an, biết tôn vinh danh Ngài bằng lời ca tiếng hát, thể hiện sâu sắc tấm lòng vừa yêu Chúa vừa yêu tha nhân và hy vọng nhận được sự bình an tràn chảy từ nơi Chúa Cứu Thế, món quà nhưng không của Thượng Đế dành cho loài người từ thuở sáng thế.
Đỗ Thảo Dzu
(Christmas ’09)
0 431 3 minutes read