Hai Loại Bệnh Tiểu Đường
Có hai loại bệnh tiểu đường: loại 1 và loại 2. Tỷ lệ của hai loại này đang gia tăng, và insulin là yếu tố chính trong cả hai. Chất hormone, do tụy tạng sản xuất, như là người giữ cửa của các tế bào, giúp cho đường, chất bột, và những nguồn năng lượng khác từ các thức ăn hấp thụ vào trong các tế bào.
Trong bệnh tiểu đường loại 1, hệ thống miễn dịch hủy diệt các tế bào sản xuất insulin của tụy tạng, và kết quả là bệnh nhân thiếu insulin. Bệnh này thường xảy ra ở trẻ em và thiếu niên. Còn tiểu đường loại 2 xảy ra khi các tế bào của thân thể chống lại insulin, kết quả là có quá nhiều chất hormone trong máu. Trong cả hai trường hợp, vì không thể vào trong các tế bào nên đường di chuyển qua các mạch máu, bám vào bất cứ mô (Tissues) và bộ phận nào trên lộ trình, và làm thay đổi chức năng lành mạnh của chúng.
Theo Dan Hurley trong quyển Diabetes Rising thì nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường loại 1 có thể là do cân nặng, uống sữa bò, thiếu sinh tố D và môi trường ô nhiễm. Tiểu đường loại 2 chiếm từ 90 tới 95% số bệnh nhân, và các nhà nghiên cứu đồng ý có hai nguyên nhân chính gây ra bệnh này: Thứ nhất là cân nặng. Mập phì đã tăng nhanh ở nước Mỹ trong nhiểu thập niên vừa qua, và bệnh tiểu đường cũng tăng theo. Nguyên nhân thứ hai là tuổi tác Matt Peterson, giám đốc về thông tin y tế của hội ADA (American Diabetes Association) cho biết “Khi chúng ta được may mắn sống lâu hơn thì chúng ta, thật không may, cũng thấy bệnh tiểu đường tăng thêm.”
Nan đề cho thấy bệnh này sẽ tăng nhanh trong những năm tới. Thêm vào những người đã bị bệnh tiểu đường, người ta ước lượng 79 triệu người ở Mỹ — hay 35% dân số— có tiền tiểu đường (Pre-diabetes). Nói cách khác, họ là những người sẽ bị bệnh tiểu đường trong tương lai. Trong thập niên 1990, Wes Youngberg, tiến sĩ Y tế Công cộng (Dr. P.H.) của Đại học Loma Linda, và tác giả quyển Goodbye Diabetes, giúp phát triển một hệ thống để xác định nguy cơ bị bệnh tiểu đường ở Guam. Phương pháp sàng lọc (Screening method) chia lượng đường cao thành năm bậc, bậc thứ nhất là chỉ cao hơn bậc lý tưởng, và bậc cuối là chính bệnh tiểu đường.
Ngay cả những người với lượng đường máu (Blood sugarlevels) giữa 85 và 90, có thể coi là bậc 1, ông nói, “Họ ở giai đoạn chống lại insulin. Tụy tạng của họ đã phải sản xuất nhiều insulin hơn để cố gắng kiểm soát đường.” Lượng đường máu cao cho thấy sự chuyển hóa (Metabolism) thức ăn của chúng ta — một hệ thống vĩ đại giúp chúng ta sống — không hoàn hảo. Vì thế lượng đường máu cao có hậu quả nghiêm trọng cho cả thân thể, từ tim và huyết quản cho tới hệ thống tuần hoàn và miễn dịch. Đó là lý do tại sao sự chống lại insulin và bệnh tiểu đường liên quan chặt chẽ tới bệnh tim, huyết áp cao, đột qụy, mù mắt, tuần hoàn kém (Dẫn đến cưa chân), và ung thư.
Phỏng theo Larisa Brass, Vibrant Life, Special lssue,
How to Beat Diabetes, tr. 7-9 1