Trên ngọn đồi cao, ba cây thông xanh mọc lẫn trong các lùm cây um tùm. Ban ngày ba cây thông vươn cành sưởi trong nắng ấm. Ban đêm, vừa nhìn ngắm bầu trời đầy sao lấp lánh, ba cây thông vừa rầm rì nói chuyện. Cây thứ nhất nói:
— Thân tôi không to lớn, nhưng nhựa tôi thật thơm tho. Tôi chỉ mong một ngày nào đó người ta sẽ dùng gỗ cây tôi để làm cái hộp đựng châu báu. Tôi sẽ chứa đựng những kho tàng quý báu nhất thế giới.
Cây thứ hai nói:
— Thân tôi to lớn và rắn chắc. Người ta sẽ dùng gỗ tôi để đóng một cái tàu vĩ đại. Tôi sẽ giao du bốn bể, chuyên chở vua chúa đi chinh phục những miền đất mới.
Cây thứ ba, cao nhất trong đám, lắc đầu:
— Tôi chẳng muốn đi đâu cả. Tôi chỉ muốn mọc ở đây mãi. Tôi sẽ là cây thông cao nhất trên đỉnh đồi này. Mỗi khi dân chúng trong thung lũng nhìn lên đồi này họ sẽ thấy ngọn cây tôi vươn cao trên nền trời xanh và họ sẽ nhớ đến Thượng Đế là Đấng sống nơi cao xa trong vòm trời xanh đó.
Ngày tháng trôi qua, ba cây thông mỗi ngày một lớn lên. Đến buổi chiều kia, ba người tiều phu vác rìu lên đồi tìm gỗ. Một gã tiều phu ngắm nhìn cây thông thứ nhất và nói:
— Cây này gỗ thơm, tôi chặt về bán cho ông thợ mộc trong làng.
Người thứ hai nói:
— Cây này gỗ to và chắc. Tôi sẽ bán cho xưởng đóng tàu.
Người thứ ba mệt mỏi, uể oải nói:
— Cây này không thơm cũng chẳng rắn chắc, nhưng tôi mỏi chân lắm rồi. Tôi chặt cây này về bán cho xưởng gỗ cũng được.
Cây thông thứ ba kêu lên: “Không, không, đừng chặt tôi!”, nhưng đã trễ. Ba gã tiều phu vung rìu chặt cả ba cây xuống.
Cây thứ nhất được bán cho người thợ mộc trong làng. Ông thợ mộc già bận rộn nên chẳng buồn để ý xem gỗ có thơm hay không. Ngày kia có người chủ nông trại cần gấp một cái máng để đựng đồ ăn cho gia súc. Ông thợ mộc lôi cây thông thứ nhất ra cưa xẻ và đóng thành cái máng. Ngày tháng trôi qua, cái máng dần dần trở thành lem luốc, dính đầy bùn và rơm rạ. Đến một đêm sao sáng rực trời, có cặp vợ chồng dừng chân, tá túc trong chuồng chiên bỏ không vì phố xá đông đúc người, quán trọ không còn chỗ trống. Người vợ trẻ hạ sanh một đứa bé trai. Bà ta quấn con bằng tấm khăn quàng và đặt đứa bé nằm trong máng cỏ. Bỗng chốc cửa trời như mở rộng. Bao nhiêu thiên thần vây quanh chuồng chiên ca ngợi. Các mục đồng từ nơi xa cũng tìm đến chiêm bái đứa bé. Cây thông thứ nhất chợt nhận ra rằng lòng máng mình đang chứa một kho tàng quý giá nhất Thượng Đế ban cho thế gian.
Cây thông thứ hai, sau khi đến xưởng đóng tàu, chẳng trở thành chiến tàu vĩ đại nào cả. Thợ đóng tàu dùng gỗ cây đó để làm một chiếc thuyền nan. Thay vì chuyên chở vua chúa xông pha năm châu bốn bể, chiếc thuyền nan được dùng để đánh cá ở các sông hồ trong vùng. Mùi cá thấm dần vào từng sớ gỗ, cây thông thứ hai quên lãng luôn những ước mơ xa xưa. Trong buổi chiều tà, một người lữ khác và các bạn bè dừng chân bên hồ. Có lẽ họ đã đến từ một nơi khá xa vì người lữ khách trông vẻ mệt mỏi lắm. Vừa bước chân lên thuyền, người lữ khách nằm xuống ngủ ngay trong lúc các người kia, chống tay lái đưa thuyền ra giữa hồ. Bất chợt sóng gió nổi lên dữ dội. Chiếc thuyền nan biết rằng nếu sóng gió cứ tiếp tục vùi vập chẳng mấy chốc chiếc thuyền sẽ tan vỡ. Các người trên thuyền cũng khiếp sợ lắm. Họ đánh thức người lữ khách kia dậy. Qua làn sóng lớn, chiếc thuyền nan nhìn thấy người lữ khách thong thả bước ra đầu lái rồi dõng dạc phán:
— Hãy lặng yên ngay!
Sóng gió liền ngừng hẳn. Và chiếc thuyền nan biết rằng mình đang chuyên chở Chúa Tể của vũ trụ.
Cây thông thứ ba được đem đến một xưởng gỗ, nhưng người ta vất cây ấy vào một xó, không ai để ý đến nữa. Lăn lóc trong đám gỗ bị bỏ quên, cây thông đổi màu thành xám đen cùng năm tháng. Đến sáng hôm thứ Sáu, trong lúc cây thông nhìn trời, mơ màng nhớ ngọn đồi xưa và hai bạn cũ thì bỗng dưng có người lôi cây ra khỏi đám gỗ đen. Họ chặt cây thông thành hai khúc, một dài, một ngắn. Sau khi đẽo gọt một lúc, họ đóng hai khúc gỗ thành cây thập tự. Họ lôi cây thập tư đến trước một người đàn ông trẻ. Người ấy trông mới thảm thương làm sao. Đầu tóc mình mẩy người ấy vấy đầy những máu. Đám lính nơi đó bắt người đàn ông vác thập tự trên vai để đem đến ngọn đồi ngoài thành phố. Cảnh tượng trên đồi càng khủng khiếp hơn. Đám lính dùng đinh đóng tay chân người đàn ông vào cây thập tự. Họ đựng cây thập tự lên. Máu “tội nhân” chảy dài trên thân gỗ xám. Cây thông rùng mình theo từng hơi thở khó nhọc của người đó. Trời đất xem chừng như chia sẻ mối tâm sự với cây thông. Bầu trời trở nên xám xịt và đất đá rung lên từng cơn. Xế chiều thì người ấy chết.
Đến sáng hôm thứ Nhất, “tội nhân” của ngày thứ Sáu—người lữ khách năm xưa, đứa bé trong máng cỏ—sống lại và trở thành Thần Chiến Thắng.
Kể từ hôm đó cho đến muôn đời về sau, mỗi khi con người nghĩ đến cây thập tự, họ lại nhớ đến tình yêu sâu xa của Thượng Đế và sự hy sinh cao cả của Con Ngài.
Chuyện truyền khẩu Tây phương
LTMH phỏng dịch.
0 255 4 minutes read